Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Tìm ra phương pháp “rẻ tiền” trị thành công nang thận

Cuối năm 2016, bà Nguyễn Thị Hà (57 tuổi, ngụ tại quận 10) nhập viện trong tình trạng nang thận trái phát triển lớn gần 10cm chèn ép các cơ quan nội tạng khác, có nguy cơ vỡ gây nhiễm trùng hoặc biến chứng suy thận. Sau 5 tháng được chọc hút, dẫn lưu, hiện nang thận của bà đã giảm kích thước còn 1,3cm. Dự kiến khoảng 1 tháng nữa bệnh nhân sẽ được rút ống dẫn lưu.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân 115 đã cải tiến phương pháp truyền thống điều trị hiệu quả u nang thận
Các bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân 115 đã cải tiến phương pháp truyền thống điều trị hiệu quả u nang thận

Kỹ thuật này được cải tiến từ kỹ thuật chọc hút nang thận truyền thống vào năm 2014, trên cơ sở giảm lượng thuốc tạo xơ kết hợp đặt ống dẫn lưu đã cho hiệu quả điều trị cao và đến nay đã thực hiện thành công 19 trường hợp.

TS.BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc cho hay, thủ thuật chọc hút, dẫn lưu liên tục dịch nang thận ra khoang sau phúc mạc qua ống thông JJ là phương pháp điều trị nang thận đơn thuần không cần phẫu thuật. Khi dịch thoát được, phần bao quanh nang sẽ xẹp xuống và dính sát đáy nang, sau 6 tháng dịch trong nang thận sẽ được xử lý dứt điểm, bệnh nhân được rút ống dẫn lưu.

Đặc biệt, thủ thuật thực hiện rất đơn giản, chỉ cần có máy siêu âm và một số dụng cụ y khoa cơ bản các bác sĩ ngoại niệu đều có thể thực hiện được. Mỗi cuộc phẫu thuật chỉ diễn ra trong khoảng thời gian từ 15 đến 30 phút. Ngoài ra, kỹ thuật này còn nằm trong các danh mục được bảo hiểm y tế chi trả (trừ ống thông JJ). Người bệnh dù không có bảo hiểm y tế thì chi phí cao nhất cũng chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng (các phương pháp truyền thống tốn hơn 10 triệu đồng).

Hơn thế, bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này hiện chưa có trường hợp nào bị tái phát.

Bệnh viện kỳ vọng phương pháp trên sẽ sớm được ứng dụng rộng rãi, phục vụ người bệnh
Bệnh viện kỳ vọng phương pháp trên sẽ sớm được ứng dụng rộng rãi, phục vụ người bệnh

Trước đó, việc điều trị cho bệnh lý nang thận được thực hiện bằng phương pháp chọc hút, mổ hở hoặc phẫu thuật nội soi với những nguy cơ tái phát rất cao (khoảng 70% sau 3 tháng). Ngoài ra, bệnh nhân phải nằm viện lâu ngày, chi phí điều trị lớn.

Phân tích chuyên môn của BS Trương Hoàng Minh, Trưởng khoa Ngoại Niệu, bệnh viện 115, chỉ ra nguyên nhân tái phát là do dịch trong nang thận không thoát được.

TS Nguyễn Đình Phú cho hay, sau khi triển khai thành công, Bệnh viện Nhân Dân 115 115 sẽ có các báo cáo khoa học, đề xuất ngành y tế phê duyệt vào danh mục kỹ thuật mới với kỳ vọng thủ thuật trên sẽ được nhân rộng ra cả nước, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cơ sở để người bệnh được thụ hưởng, đồng thời góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối.

Bệnh lý nang thận đơn thuần là tổn thương thận dạng nang, hình thành từ nhu mô thận.

Bệnh xuất hiện ở cả nam và nữ, ở trẻ em tần suất mắc bệnh khoảng 0,5% và tăng dần theo độ tuổi, nhóm tuổi 40 có tỷ lệ mắc bệnh khoảng 20%; tuổi 60 khoảng 33% và tuổi 80 là gần 40%.

Nguyên nhân gây nang thận đến nay còn là một ẩn số của khoa học. Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng, nang thận là do bị tắc ống thận và thiếu máu cục bộ dẫn tới hình thành nang. Khi mới bị nang thận cơ thể người bệnh thường không có triệu chứng, nhưng khi nang phát triển lớn sẽ gây đau vùng hông lưng, tiểu máu, tăng huyết áp, thận ứ nước dẫn tới suy thận hoặc ung thư.

Vân Sơn

Tag :điều trị hiệu quả, phương pháp điều trị, phương pháp phẫu thuật, chi phí điều trị, thận ứ nước, tổn thương thận

Xét nghiệm máu phát hiện sớm tái phát ung thư phổi

Nghiên cứu đột phá TRACERx, được tài trợ bởi Cancer Research UK, đã xác định nguyên nhân tái phát của bệnh và cách di căn, trong một khám phá có thể dẫn đến việc điều trị sớm hơn cho bệnh nhân.

Bằng cách phân tích các khối u từ 100 bệnh nhân ung thư phổi, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu y học Francis Crick Institute thấy rằng những khối u chứa tỷ lệ cao hơn các "nhiễm sắc thể không ổn định" - những vật liệu gây hỗn loạn di truyền và cho phép khối u tiến hóa – dễ tái phát hoặc tử vong hơn gấp 4 lần trong vòng hai năm.

Các khối u đa dạng di truyền rất khó điều trị vì chúng dễ di căn và trở nên kháng thuốc.

Trong nghiên cứu sử dụng 96 trong số 100 bệnh nhân trên, các nhà khoa học đã sàng lọc máu của họ để tìm ADN khối u trong máu – những mảnh AND "bị vỡ" ra từ khối u - để tìm ra những khiếm khuyết hiên diện trong khối u ung thư của người bệnh.

Họ sử dụng thông tin này để phân tích mẫu máu từ 24 bệnh nhân đã phẫu thuật và có thể xác định được hơn 90% trường hợp ung thư có thể tái phát, một năm trước khi các phương pháp cận lâm sàng khác, như chụp CT hoặc X-quang, có thể phát hiện ra bệnh.

Theo Cancer Research UK, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở nam giới và phụ nữ ở Anh, gây ra hơn 20% số ca tử vong do ung thư.

Các nhà nghiên cứu cũng so sánh mức độ AND khối u trong máu bệnh nhân trước và sau hóa trị sau phẫu thuật, kết quả được công bố trên tạp chí Nature.

Họ phát hiện ra rằng ung thư tái phát khi mức ADN khối u trong máu không giảm sau khi điều trị, cho thấy khối u đã phần nào kháng với hóa trị.

Những phát hiện này có thể mở đường cho việc phát triển các thuốc mới nhằm vào phần kháng thuốc của khối u ung thư phổi.

BS. Christopher Abbosh, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Trong tương lai, người bệnh có thể được điều trị theo từng cá thể nhằm vào các phần của ung thư là thủ phạm gây tái phát sau phẫu thuật.

"Bằng cách sử dụng ADN khối u trong máu, chúng ta có thể xác định những bệnh nhân cần điều trị ngay cả khi họ không có dấu hiệu lâm sàng của bệnh, cũng như theo dõi hiệu quả của điều trị.

"Đây là hy vọng mới trong cuộc chiến chống tái phát ung thư phổi sau phẫu thuật, xảy ra ở một nửa số bệnh nhân".

TRACERx là nghiên cứu đầu tiên theo dõi tiến triển của ung thư trong thời gian thực, từ chẩn đoán đến khi khối u bị tiêu diệt.

GS Karen Vousden, chuyên gia hàng đầu của Cancer Research UK, cho biết: "Những phát hiện này cũng có thể giúp chúng ta xác định ung thư phổi đáp ứng với điều trị như thế nào, xây dựng một bức tranh lớn hơn về bệnh và có thể chỉ ra hướng phát triển các phương pháp điều trị mới và cứu sống được nhiều người hơn".

Những đột phá trong điều trị ung thư theo dòng thời gian

Lịch sử của những khám phá đưa chúng ta đến gần hơn tới việc chữa khỏi bệnh ung thư

• 1923

Lần đầu tiên xạ trị được sử dụng để điều trị ung thư cổ tử cung

• 1935

Liên hệ đầu tiên giữa ánh nắng mặt trời và ung thư da

• 1954

Bằng chứng về mối liên hệ giữa hút thuốc lá và ung thư phổi lần đầu tiên được công bố

• 1956

Thuốc hóa trị đầu tiên, methotrexate, dùng để điều trị một loại khối u hiếm gặp gọi là ung thư biểu mô màng đệm (choriocarcinoma).

• 1963

Phát hiện loại vi-rút ung thư đầu tiên ở người

• 1972

Thuốc đầu tiên điều trị ung thư tinh hoàn được phát triển, hiện nay 95% bệnh nhân được cứu sống nhờ thuốc này.

• 1986

“Kháng thể đơn dòng” hoặc liệu pháp trúng đích đầu tiên được FDA phê chuẩn(những ví dụ sau đó bao gồm Herceptin cho ung thư vú và Avastin cho ung thư trực tràng, phổi và những bệnh ung thư khác)

• 1994-95

Các gen ung thư vú đầu tiên BRAC-1 và BRAC-2 được phát hiện

• 2008

Chương trình tiêm chủng vắc xin ung thư cổ tử cung bắt đầu ở Anh

• 2010

Các thử nghiệm cho thấy tầm soát bằng “soi đại tràng ống mềm” có thể ngăn ngừa một phần ba số trường hợp ung thư ruột

• 2011

Tổ chức Bộ gen ung thư Quốc tế (International Cancer Genome Consortium) được thành lập để lập bản đồ các khiếm khuyết di truyền đằng sau 50 loại ung thư.

• 2013

Các thử nghiệm thấy rằng uống thuốc anastrazole hàng ngày có thể làm giảm một nửa nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ cao tuổi có nguy cơ cao

• 2016

Các nhà khoa học đã chế tạo những hạt nano hoạt động như những “con ngựa thành Tơ-roa” vận chuyển thuốc hóa trị trực tiếp vào ung thư. Hai loại thuốc điều trị ung thư vú đã được thấy làm làm teo nhỏ hoặc loại bỏ khối u trong 11 ngày. Nghiên cứu của GS. Swanton cho thấy có thể dùng tế bào miễn dịch của chính chúng ta để chữa khỏi những trường hợp bệnh ung thư thứ phát hoặc di căn bị xem là “vô vọng”.

Cẩm Tú

Theo Telegraph

Tag :Xét nghiệm máu, ung thư phổi, khối u ung thư, nhiễm sắc thể

Bộ trưởng Y tế “choáng” với giá thủ thuật đắt gấp 200 lần tại phòng khám tư

Cắt bao quy đầu từ 22 đến 35 triệu đồng

Sáng 27/4, đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã thị sát mô hình phòng khám đa khoa có yếu tố nước ngoài. Sau khi kiểm tra phòng khám S.O.S (Raffles Medical) và Ma Yo, Bộ trưởng Kim Tiến quyết định kiểm tra đột xuất Phòng khám Đa khoa Nguyễn Trãi – nơi nhiều người bệnh phản ánh về việc bị thu phí khám chữa bệnh theo kiểu “hù dọa, vẽ bệnh để móc túi”.

Bộ trưởng trực tiếp rà soát hồ sơ, kiểm tra bảng giá tại phòng khám Nguyễn Trãi
Bộ trưởng trực tiếp rà soát hồ sơ, kiểm tra bảng giá tại phòng khám Nguyễn Trãi

Tại Phòng khám Đa khoa Nguyễn Trãi, đoàn kiểm tra ghi nhận có 2 bác sĩ người Trung Quốc hành nghề khám chữa bệnh. Nhiều bất thường đã được ghi nhận.

Cụ thể phòng khám có 6 khoa nhưng chỉ có 5 bác sĩ, song trên thực tế chỉ 3 bác sĩ tham gia khám chữa bệnh (tại thời điểm kiểm tra - PV).

Hầu hết bệnh nhân đến phòng khám đều đăng ký khám ngoại khoa do 2 bác sĩ người Trung Quốc đảm trách. Hồ sơ lưu bệnh án khám chữa bệnh ngoại trú cho thấy các bệnh nhân đến đây chủ yếu vì bệnh “thầm kín” như rối loạn cương, xuất tinh sớm, hẹp bao quy đầu…

Hầu hết bệnh nhân nam do BS người Trung Quốc Cai Guang Ming khám chữa bệnh đều được chẩn đoán hẹp bao quy đầu và chỉ định tiểu phẫu.

Bộ trưởng thị sát các phòng khám có yếu tố nước ngoài tại TPHCM
Bộ trưởng thị sát các phòng khám có yếu tố nước ngoài tại TPHCM

Tại đây, kỹ thuật cắt hẹp bao quy đầu có giá sàn là 22 triệu đồng và giá trần là 35 triệu đồng, phòng khám không thanh toán BHYT. Trong khi, cũng là thủ thuật cắt bao quy đầu nhưng tại bệnh viện Bình Dân giá thực hiện kỹ thuật này cho người bệnh chỉ tốn 180.000 đồng, bệnh nhân được thanh toán BHYT.

Đụng đâu sai đó

Trước thực tế kiểm tra của Bộ trưởng Kim Tiến, chiều cùng ngày trong buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ Y tế với UBND thành phố và các ban ngành liên quan, GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thừa nhận: “Vẫn còn phòng khám chưa thực hiện đúng quy định về lập hồ sơ bệnh án ngoại trú và kê đơn thuốc cho người bệnh, chưa chú trọng xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với mô hình bệnh tật tại phòng khám đa khoa; thực hiện kỹ thuật chuyên môn chưa được Sở Y tế phê duyệt; chưa có quy định phân công nhân viên y tế được thực hiện kỹ thuật xâm lấn có nguy cơ cao chưa triển khai đầy đủ các hoạt động đảm bảo an toàn người bệnh.

Thực tế thanh kiểm tra đối với các phòng khám tư nhân đụng đâu sai đó
Thực tế thanh kiểm tra đối với các phòng khám tư nhân "đụng đâu sai đó"

Trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017 hàng loạt cơ sở sai phạm đã được phát hiện qua thanh kiểm tra. Cụ thể, qua kiểm tra 143 phòng khám đa khoa thì phát hiện 24 cơ sở vi phạm, tước giấy phép hoạt động 4 cơ sở. Đặc biệt, kiểm tra 14 phòng khám có yếu tố nước ngoài thì tất cả đều vi phạm các vấn đề về quản lý hành chính lẫn chuyên môn. Sở Y tế đã tước giấy phép hành nghề đối với 2 cơ sở. Đầu năm 2017 kiểm tra 11 phòng khám đa khoa phát hiện 10 phòng khám vi phạm; kiểm tra 7 phòng khám có yếu tố nước ngoài thì có 6 phòng khám vi phạm.

Lý giải cho thực trạng trên, GS Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng: “Đa số các phòng khám đa khoa nói chung và các phòng khám có yếu tố nước ngoài nói riêng đều là chủ đầu tư nước ngoài hoặc người không có chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực y tế. Trình độ chuyên môn của người phiên dịch chưa đảm bảo tốt, nhiều phản ánh của người bệnh về việc bị hù dọa, vẽ bệnh, đối tượng thực hiện việc hù dọa chính là người phiên dịch. Các phòng khám cố tình sai phạm còn đối phó với đoàn thanh kiểm tra bằng biện pháp gắn trang thiết bị theo dõi, báo động từ xa, trì hoãn kéo dài thời gian tiếp cận của đoàn thành tra để tìm cách đối phó...”

Không chấp nhận mức giá thủ thuật cắt bao quy đầu nhưng tốn từ 22 đến 35 triệu đồng, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TPHCM phải xem xét lại việc phê duyêt bảng giá khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân, nếu có bất cập phải kịp thời chấn chỉnh. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị Sở Y tế phải có các biện pháp kiểm tra, giám sát xư lý nghiêm hành vi vẽ bệnh, hù dọa người bệnh (nếu có).

Sở Y tế thành phố đã tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng Kim Tiến và khẳng định sẽ sớm có giải pháp khắc phục những tồn tại liên quan tại các cơ sở y tế tư nhân đặc biệt là các phòng khám đa khoa có yếu tố nước ngoài.

Giá cắt cổ nhưng không vi phạm?

Liên quan đến vấn đề giá “khủng” tại phòng khám Nguyễn Trãi nói riêng và rất nhiều các phòng khám có yếu tố nước ngoài khác, một thành viên đoàn công tác cho hay: theo quy định, các phòng khám tư nhân có quyền đưa ra giá dịch vụ, kỹ thuật nhưng phải được Sở Y tế thẩm định, phê duyệt. Bên cạnh đó, phòng khám phải có nghĩa vụ công khai giá dịch vụ, kỹ thuật đến người bệnh.

Giá thực hiện kỹ thuật cắt hẹp bao quy đầu tại phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi tuy chênh lệnh quá lớn so với bệnh viện công nhưng thực tế lại không vi phạm luật.

Vân Sơn

Tag :cơ sở y tế tư nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế, Sở Y tế TPHCM, Y tế thành phố, nhân viên y tế, phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi, phòng khám có bác sĩ Trung Quốc

2 thực phẩm hàng đầu “đánh bật” hơi thở hôi do ăn tỏi

Từ các nghiên cứu trước đó, các nhà nghiên cứu đã biết rằng một số thực phẩm khử mùi tỏi hiệu quả nhờ những chất nào đó. Các nhà khoa học giả định rằng đó là hợp chất phenolic (có tính chống ôxy hóa tìm thấy trong rau và quả) và các enzyme (những protein làm tăng tốc phản ứng phân hủy).

Nhai 1 nhánh tỏi (hay ăn các lát tỏi, tỏi băm) đều giải phóng 1 hợp chất gọi là allicin, có thể phân hủy thành các chất khí có lưu huỳnh, phóng thích vào dạ dày, đi vào dòng máu và rồi thoát ra ngoài qua hơi thở.

Theo Sheryl Barringer, chuyên gia về công nghệ và khoa học thực phẩm, ĐH bang Ohio (Hoa Kỳ) giải thích: “Khi chúng ta ăn thực phẩm có các hợp chất phenolic, những phenolic này sẽ phản ứng với những chất khí có lưu huỳnh và phân hủy chúng. Các enzyme cũng sẽ tăng tốc độ phân hủy. Vì vậy nếu bạn ăn rau quả sống có những enzyme này, phản ứng phân hủy sẽ diễn ra nhanh hơn và tốc độ khử mùi cũng được đẩy nhanh hơn”.

Để kiểm tra lý thuyết này và xem những hợp chất phenolic và enzyme nào hiệu quả nhất, Barringer, đã yêu cầu các tình nguyện viên nhai 3 grams tỏi mềm trong 25 giây, sau đó uống nước táo Fuji (táo tươi, nước ép hay nấu chín), ăn xà lách búp Mỹ (iceberg lettuce - ăn sống hoặc nấu chín), lá bạc hà (tươi, nước ép hay nấu chín), trà xanh hoặc nước.

Trong suốt một giờ tiếp theo, các tình nguyện viên sẽ được yêu cầu thổi hơi vào một dụng cụ đo nồng độ các hợp chất tạo ra hơi thở mùi tỏi, thường là hợp chất diallyl disulfide và allyl methyl sulfide.

Kết quả đăng tải trên tạp chí Khoa học Thực phẩm này cho thấy táo, xà lách và lá bạc hà sống đã giảm 50% hợp chất gây mùi tỏi so với nhóm chỉ uống nước. Cả 3 thực phẩm đều có hiệu quả khử mùi đáng kể nhưng lá bạc hà đã vượt xa các thực phẩm khác về tính khử mùi – do có hàm lượng phenolic cao nhất.

Nước táo và nước bạc hà cũng có tác dụng nhưng không hiệu quả bằng nhai táo và lá bạc hà.

Táo nướng và rau diếp nấu cũng làm giảm đáng kể mùi tỏi.

Trà xanh hoàn toàn không có tác dụng khử mùi.

Giờ thì bạn có thể ăn tỏi thoải mái rồi.

Nhân Hà

Theo Realsimple

Tag :ăn tỏi, hơi thở hôi

Cách mới biết chính xác tình trạng vết thương giấu kín sau lớp băng bó

Các bác sĩ có thể cập nhật từ xa để bệnh nhân bị thương không phải đi khám lại.

Băng được trang bị những cảm biến tí hơn có thể phát hiện tình trạng huyết khối hoặc nhiễm trùng, và gửi dữ liệu không dây tới bác sĩ lâm sàng.

Đại học Swansea (xứ Wales) đang hy vọng thử nghiệm loại băng này trong vòng 12 tháng và công nghệ mới này có thể mang lại phương pháp tiếp cận y học cá nhân.

Hiện nay các bệnh nhân bị thương được khuyên phải đi khám lại trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng từng trường hợp có thể cần thời gian lâu hơn để liền vết thương, hoặc có thể đã bị nhiễm trùng trước thời điểm đi khám lại.

GS. Marc Clement, chủ tịch Viện Khoa học Đời sống (ILS) tại Swansea, nói: "Công nghệ nano cho phép chúng tôi chế tạo các cảm biến giảm kích thước khiến chúng rất rất nhỏ.

"Chúng có thể được đặt vào băng thông minh. Điều tiếp theo là sản xuất loại băng này với chi phí hợp lý cho dịch vụ y tế. Làm thế nào để sản xuất các thiết bị thông minh này? Rõ ràng cách hiệu quả nhất là thông qua kỹ thuật in.

"Đây là một phương pháp tiếp cận đa công nghệ, với công nghệ nano, điện tử nano, in và phủ sinh hóa mọi kết nối thông qua cơ sở hạ tầng 5G để cho phép chúng ta trong tương lai có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân bị thương với kết quả tốt hơn và chất lượng sống tốt hơn".

Đại học California cũng đang thử nghiệm loại băng thông thông minh có thể phát hiện loét nằm
Đại học California cũng đang thử nghiệm loại băng thông thông minh có thể phát hiện loét nằm

Băng thông thông minh cũng sẽ được kết nối với điện thoại thông minh của bệnh nhân, giúp theo dõi các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như không vận động hoặc chế độ ăn, có thể cản trở quá trình liền vết thương.

Các thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành cho loại băng thông thông minh thay đổi màu sắc khi vết thương bị nhiễm trùng.

GS Clement nói: "Bạn kết hợp tất cả những thông tin đó để bác sĩ lâm sàng biết được tình trạng của một vết thương cụ thể tại bất kỳ thời điểm cụ thể nào và sau đó có thể điều chỉnh phác đồ điều trị cho từng người bệnh và cho từng vết thương.

"Y học hiện nay là nơi bác sĩ lâm sàng gặp một bệnh nhân và sau đó kê đơn thuốc điều trị trong một hoặc ba tháng. Còn y học tương lai là nơi bác sĩ có thể thay đổi cách điều trị cho phù hợp với từng cá nhân, lối sống và cách sống.

Cẩm Tú

Theo Telegraph

Tag :công nghệ nano, thiết bị thông minh, chăm sóc sức khoẻ

“Người chết” đột nhiên sống lại khi sắp được khâm liệm

Những người thân của ông B. cho biết, sáng ngày 20/4, ông B. điều khiển xe máy đi thăm một người bạn ở xã bên cạnh. Khi đến đoạn đường liên xã thuộc xóm Lam Thủy, xã Tiên Điền (huyện Nghi Xuân), ông B. đâm vào cọc tiêu bên đường, đập đầu xuống đất bất tỉnh.

Ông B. đang tiếp tục được chăm sóc, theo dõi tại Bệnh viện ĐK huyện Nghi Xuân

Ông B. đang tiếp tục được chăm sóc, theo dõi tại Bệnh viện ĐK huyện Nghi Xuân

Ông B. được đưa tới Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân nhưng do vết thương quá nặng, ông B. được chuyển ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An điều trị.

Tại đây, các bác sĩ cho biết, ông B. bị chấn thương sọ não, tiên lượng rất xấu và khuyên người nhà đưa bệnh nhân về quê.

Đến trưa ngày 21/4, gia đình đã quyết định đưa ông B. về nhà. Ngay sau đó, gia đình và bà con hàng xóm đã khẩn trương mua áo quan chuẩn bị tang lễ. Lúc này ông B. đã nằm bất động, phải thở bằng bình ôxi.

Đến khoảng 21h cùng ngày, gia đình quyết định rút ống thở. Trước khi làm thủ tục khâm liệm, gia đình đút cho ông B. “ăn” một miếng để ông “ra đi” theo phong tục thì đột nhiên ông này nuốt được thức ăn và đưa tay lau miệng. Thấy vậy, người thân cuống cuồng gọi bác sĩ đến kiểm tra.

Qua sơ khám, vị bác sĩ cho biết ông B. vẫn còn sống và có thể chữa được nên gia đình đã đưa ông B. tới Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân.

Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành điều trị truyền dịch, dùng thuốc chống phù não… cho bệnh nhân. Sau 3 ngày được điều trị tích cực, ông B. đã mở mắt, nói chuyện được và ăn được cháo.

“Chúng tôi đã tưởng bố không còn nữa. Đúng là kỳ diệu”, anh Nguyễn Duy Thành con trai ông B. vui mừng cho biết.

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Trần Đức Linh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân cho hay, trước đó ông B. được đưa vào nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, bị chấn thương ở vùng đầu, mặt, mí mắt, chân trái bị gãy.

“Đây là trường hợp khá hi hữu. Hiện sức khỏe của ông B. dần phục hồi và tiếp tục được chăm sóc, theo dõi”, bác sĩ Linh cho biết thêm.

Xuân Sinh

Dị vật tròn như đồng xu trôi sâu xuống thực quản bé trai 3 tuổi

Tại Khoa Khám Bệnh Cấp cứu lưu (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh), bé A. được xét nghiệm, siêu âm và chụp X-quang cho thấy hình ảnh dị vật hình tròn cản quang nằm vị trí thực quản ngực, ngang mức đốt sống ngực D8. Dị vật to, hình tròn, đường kính ~ 21mm.

Người nhà bệnh nhi cho biết phát hiện bé nuốt phải một chiếc bu lông hình tròn ngay trong sáng hôm qua. Sau khi nuốt bé ho, kêu đau nên gia đình nhanh chóng đưa tới bệnh viện.

Hình ảnh dị vật nằm sâu trong thực quản bệnh nhi. Ảnh: BS cung cấp.
Hình ảnh dị vật nằm sâu trong thực quản bệnh nhi. Ảnh: BS cung cấp.

Với dị vật nằm sâu trong thực quản, các bác sĩ đã quyết định nội soi thực quản dạ dày gắp dị vật cho bé. Kíp thủ thuật do Bác sĩ Phạm Đăng Hùng; B Phạm Văn Nam; Bùi Ngọc Quang; cùng các kỹ thuật viên gây mê tiến hành.

Theo BS Nam, dị vật nằm sâu trong thực quản ở bệnh nhân nhi nhỏ tuổi rất nguy hiểm, nên các bác sĩ đã phải rất thận trọng khi tiến hành nội soi. Sau hơn 1 giờ, các bác sĩ đã gắp thành công dị vật cho bé là một chiếc bu lông hình tròn, có lỗ ở giữa. Sau khi được gắp dị vật ra ngoài, bệnh nhân tỉnh táo và không còn cảm giác đau ngực, buồn nôn và khó thở.

Dị vật đường thở được lấy ra. Ảnh: BS cung cấp.
Dị vật đường thở được lấy ra. Ảnh: BS cung cấp.

Các bác sĩ khuyến cáo, để giảm nguy cơ hóc dị vật ở trẻ, cha mẹ không nên cho con chơi những đồ chơi nhỏ, dễ vỡ. Luôn để mắt tới trẻ, không để trẻ cho đồ chơi, đồ trang sức vào miệng. Khi mua đồ chơi cho bé, cần chú ý không chọn những đồ có họa tiết nhỏ, có thể tháo rời mà mua theo hình khối cứng, bền, khó vỡ.

Bởi trẻ em hiếu động, có thể bỏ vào miệng ngậm, nuốt làm các bé sẽ bị dị vật gây ra hậu quả đáng tiếc. Một số trường hợp khi dị vật kẹt ở vùng thực quản, nếu lòng thực quản bị tổn thương nhiều, sau gắp dị vật, bé phải nằm viện lâu và phải ăn qua ống sonde dạ dày lâu dài, rất khó chịu.

Trong trường hợp trẻ đang ăn bỗng dưng tím tái, ngưng thở, cần sơ nhanh chóng sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất và dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn, trẻ sẽ dễ thở hơn. Sau đó đưa trẻ đến BV gần nhất để được xử trí cấp cứu ngay.

Hồng Hải

Tag :dị vật đường thở, gắp dị vật, bệnh nhân nhi, Sản - Nhi Quảng Ninh

Chơi với chò mèo ghẻ, trẻ bị lây nấm tổ ong

Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quangcho biết hiện đang điều trị cho hai cháu nhỏ bị bệnh nấm tổ ong do lây từ cho mèo.

Trước đó, liên tiếp trong 2 ngày 20 – 21/4, hai bệnh nhi là bé Trương Bình Nguyên (5 tuổi, trú tại Xuân Vân, Yên Sơn) và cháu Lý Gia Bảo (7 tuổi, trú tại Kim Phú, Yên Sơn) được gia đình đưa tới viện trong tình trạng tổn thương vùng đầu, có ổ mủ, gây đau, ngứa.

Hai bệnh nhi với tổn thương điển hình của bệnh nấm tổ ong lây từ chó, mèo bị bệnh. Ảnh: Hải Yến.
Hai bệnh nhi với tổn thương điển hình của bệnh nấm tổ ong lây từ chó, mèo bị bệnh. Ảnh: Hải Yến.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Minh, Trưởng khoa Da Liễu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết hai bệnh nhi được chẩn đoán mắc Nấm tổ ong. Đây là một bệnh ít gặp ở người do lây lan từ các loài động vật như chó, mèo.

Thông thường, khi bị lây căn bệnh này từ chó, mèo, đầu tiên bệnh nhân sẽ xuất hiện các mụn mủ ở 1 số chân tóc, sau đó lan dần ra xung quanh, tạo thành 1 mảng lớn nổi cao thâm nhiễm. Bề mặt tổn thương gồ ghề, có nhiều vảy, nếu cạy vảy, lỗ chỗ như tổ ong chứa nhiều mủ nên gọi là “tầng ong mật”, tóc bị rụng tại đám thương tổn.

Người nhà bệnh nhi cho biết ở nhà đều nuôi chó, mèo và đều đang bị ghẻ, nấm. Trước thời điểm nhập viện khoảng 2 tuần, hai bé đều có chơi với vật nuôi, sau đó xuất hiện tình trạng trên.

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh nấm tổ ong, các bác sĩ đã tiến hành trích rạch ổ áp xe, chấm thuốc sát khuẩn, uống thuốc kháng nấm toàn thân, kháng histamin chống ngứa, chống viêm, giảm sưng phù nề, vitamin nâng cao thể trạng và hướng dẫn gia đình các bệnh nhi cách chăm sóc để trẻ tránh lây nhiễm.

Theo BS Minh, trẻ con đa phần thích vật nuôi và thường chơi với chúng. Vì thế, các gia đình cần vệ sinh sạch sẽ chó mèo, hạn chế cho trẻ tiếp xúc trực tiếp (như ôm ấp, chơi đùa...) với chó mèo, nhất là khi chó mèo đang bị bệnh.

Căn bệnh này không chỉ có nguy cơ ở trẻ em mà cũng có thể lây lan cho người lớn nên việc giữ vệ sinh chó mèo, điều trị bệnh ngoài da cho chó mèo là rất quan trọng để phòng bệnh.

Nếu trên cơ thể người phát hiện các mụn mủ lạ trên đầu, cần đưa trẻ đến chuyên khoa da liễu khám, điều trị và tư vấn kịp thời, tránh lây nhiễm.

Hải Yến

Tag :giữ vệ sinh, lây bệnh từ chó mèo, nấm tổ ong, chó mèo bị ghẻ

Không nên “tin” vào chẩn đoán của 1 bác sĩ?

Trong một chương trình khám từ thiện mới đây, sau khi khám và siêu âm, một bác sĩ đã ra chỉ định can thiệp tim mạch cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi chuyển hồ sơ khám tới một bác sĩ giàu kinh nghiệm hơn, bác sĩ này khẳng định chưa cần mổ, chỉ cần theo dõi vì đến lớn trẻ có thể hết.

Đó là câu chuyện của một bệnh nhân may mắn tại Việt Nam khi họ có cơ hội được tiếp cận với nhiều bác sĩ ở cùng 1 thời điểm.

Trên thực tế, tại các nước phát triển như Mỹ, chẩn đoán khác nhau là rất phổ biến.

Cụ thể, theo một nghiên cứu của Trung tâm Y khoa Mayo nổi tiếng (Hoa Kỳ) công bố vào tháng Tư này trên Huffingtonpost, trong số 286 bệnh nhân đã khám 1 bác sĩ và hỏi ý kiến thêm từ bác sĩ khác trong 2 năm (2009-2010), 88% đã có chẩn đoán thứ 2 được điều chỉnh hoặc khác hoàn toàn so với chẩn đoán của bác sĩ đầu tiên (trong đó, 66% bệnh nhân được chẩn đoán kỹ càng hơn và 22% nhận được kết quả hoàn toàn khác so với chẩn đoán ban đầu). Như vậy, chỉ có 12% bệnh nhân nhận được kết quả khẳng định chẩn đoán ban đầu là đúng.

Tiến sĩ James Naessens, nhà nghiên cứu về chính sách chăm sóc sức khoẻ của Mayo Clinic, khẳng định trong báo cáo: “Rõ ràng, cứ 5 bệnh nhân chuyển viện, có hơn 1 bệnh nhân có thể bị chẩn đoán sai, chưa kể những bệnh nhân không nằm viện”.

Theo Naessens, nghiên cứu này chỉ tập trung vào những bệnh nhân được giới thiệu hội chẩn, do chẩn đoán đầu tiên là rất nghiêm trọng, hoặc phức tạp, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn. Và nhà cung cấp dịch vụ y tế thấy họ có trách nhiệm phải làm rõ thêm thông tin nên hoặc họ đồng ý với yêu cầu hội chẩn lần 2 từ bác sĩ khác của bệnh nhân

“Nghiên cứu của chúng tôi không nên diễn giải theo cách là 20% các chẩn đoán là sai. Tuy nhiên, việc hội chẩn hay xin ý kiến bác sĩ khác cần được xem là những nỗ lực cải cách trong chăm sóc sức khỏe”, Naessens nói.

Bởi việc tham khảo ý kiến chuyên môn từ bác sĩ khác sẽ giúp bệnh nhân tiếp cận nhanh hơn với phương pháp điều trị đúng, ngừng những cách điều trị không cần thiết.

Trước đó, các nghiên cứu khác cũng cho thấy việc tìm kiếm nhiều ý kiến chuyên môn từ các chuyên gia khác nhau sẽ ảnh hưởng tới quá trình điều trị như nghiên cứu của ĐH Michigan năm 2006 trên bệnh nhân ung thư vú cho thấy, hơn một nửa bệnh nhân đã được thay đổi cách tiếp cận điều trị sau khi nhận được hội chẩn lần 2 với các chuyên gia ung thư, bác sĩ phẫu thuật và xạ trị.

Một nghiên cứu khác đã kiểm tra kết quả sinh thiết của 6.171 bệnh nhân được chuyển đến Viện Y học Johns Hopkins để điều trị ung thư cho thấy 86 bệnh nhân đã có những chẩn đoán sai lầm đáng kể, dẫn tới những điều trị không cần thiết hoặc không phù hợp. Mặc dù tỉ lệ này là thấp (1,4%) nhưng nếu nhân rộng lên toàn nước Mỹ, con số sai lầm cũng không hề nhỏ: 30.000 trường hợp.

Hội chẩn lần 2 không dễ!

Một bệnh nhân từng phát hiện ung thư vú biểu mô xâm lấn qua lần chẩn đoán thứ 2, khác hẳn với chẩn đoán ban đầu là không ung thư, là ca sĩ Rita Wilson (58 tuổi) đã lên tiếng kêu gọi mọi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ thứ 2 bởi “Hội chẩn lần 2 từ bác sĩ khác đã cứu sống tôi”, Rita nói.

Tuy nhiên, trở ngại là bảo hiểm y tế không đồng ý thanh toán cho việc chẩn đoán lại với chỉ định xét nghiệm chuyên sâu hay làm lại xét nghiệm. Hơn nữa, các trung tâm y tế cũng không muốn gửi bệnh nhân tới các đơn vị khác để kiểm tra kết quả chẩn đoán đã có bởi ảnh hưởng đến danh tiếng của đơn vị.

Ngoài ra, phải kể tới sự thiếu kiến thức và thiếu quyết đoán cũng như vấn đề tài chính... khiến bệnh nhân không thể thực hiện khám lần 2 ở một cơ sở khác.

Những trở ngại này không chỉ là đối với bệnh nhân ở Mỹ mà có lẽ là rất phổ biến ở các nước như Việt Nam.

Và đó là lý do khiến nhiều bệnh nhân phải hứng chịu sự chậm trễ trong điều trị, tốn kém hơn do biến chứng và thậm chí là tử vong.

Trần Phương

Tag :chẩn đoán sai, chăm sóc sức khỏe, phương pháp điều trị, bệnh nhân ung thư, ung thư vú, Can thiệp tim mạch

Đau lòng những trường hợp 15 - 16 tuổi đã bị ung thư vú

Ung thư vú ngày càng trẻ hóa là một trong những nội dung được quan tâm tại Hội thảo Ung thư vú Việt – Pháp 2017 do bệnh viện K tổ chức trong 3 ngày qua (26-28/4).

Chia sẻ tại hội thảo, BS Hồng Cúc cho biết trường hợp bênh nhân ung thư vú 16 tuổi bác sĩ đã gặp là cách đây hơn 10 năm (2003 - 2004). Bệnh nhân sống tại Vũng Tàu, đến khám do thấy một bên ngực bất thường, lớn quá nhanh và có u cục.

Trước đó, bệnh nhân đã từng đi khám tại địa phương và được bác sĩ kết luận là sự phát triển bình thường của tuổi dậy thì. Tuy nhiên, khi thấy một bên ngực lớn nhanh, lệch hẳn so với bên ngực còn lại, mẹ bệnh nhân đã đưa con lên thẳng bệnh viện khám. Lúc này khối u đã rất lớn,

Khi siêu âm, BS Hồng Cúc đã nghĩ ngay “Đúng ung thư vú rồi” nhưng khi nhìn bệnh nhân còn quá trẻ, BS Cúc không dám khẳng định bởi ung thư vú thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi.

Chỉ định sinh thiết sau đó đã cho kết quả chính xác là một khu u vú xâm lấn ác tính.

Do tuổi đời của bệnh nhân còn rất trẻ nên tốc độ phát triển của khối u rất nhanh. Vì vậy các bác sĩ bệnh viện ung bướu TPHCM đã lập tức áp dụng phương pháp hóa trị. Sau đợt hóa trị thứ nhất được 3 tuần, không thấy bệnh nhân quay lại, phía bệnh viện đã gọi điện và được mẹ bệnh nhân cho biết, bệnh nhân sức khỏe quá yếu và xin khất hẹn vài tuần để nâng thể lực cho con. Tuy nhiên, chỉ ít tuần sau bệnh nhân đã tử vong.

BS Cúc cho biết thêm, bệnh nhân trẻ ở khu vực phía Nam rất nhiều, tuần nào cũng có 2 ca từ 23-27 tuổi.

Chia sẻ với ý kiến này của BS Cúc, TS.BS Đỗ Doãn Thuận, bệnh viện K, cho biết hiện chưa có bất kỳ ghi nhận cụ thể nào về số liệu ung thư vú ở người trẻ tại Việt Nam nhưng có một điều hết sức rõ ràng là ở những viện chuyên khoa như BV K càng ngày càng thấy nhiều bệnh nhân trẻ và mức độ ác tính cao.

Còn tại bệnh viện Trung ương Huế, TS. BS Nguyễn Đình Tùng, Phó Giám đốc Trung Tâm Ung bướu, cũng đã từng gặp bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 1 cách đây 2-3 năm. Tuy nhiên, sau đó đến nay không thấy bệnh nhân này đến khám lại.

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K Trung ương cho biết: "Chúng tôi sẽ phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu để tìm câu trả lời cho xu hướng trẻ hóa ung thư này".

Cần tầm soát càng sớm càng tốt

Chuyên gia Pháp đang hướng dẫn thực hành siêu âm phát hiện ung thư vú tại Hội thảo (Ảnh: Nhân Hà)

Chuyên gia Pháp đang hướng dẫn thực hành siêu âm phát hiện ung thư vú tại Hội thảo (Ảnh: Nhân Hà)

Số liệu dự báo 20 năm (1990-2010) về ung thư vú dựa trên kết quả điều tra những năm 90 với sự trợ giúp của các chuyên gia Anh, cho thấy: tỉ lệ mắc ung thư vú ở Việt Nam là 23 trường hợp/100 ngàn dân; độ tuổi mắc sớm hơn so với quốc tế (thường gặp ở bệnh nhân 35 tuổi, trong khi ở châu Âu là 45 tuổi).

Đây là một trong những lý do tuổi sàng lọc ung thư vú bắt đầu từ tuổi 30, thay vì 35-40 hay 50 như nhiều quốc gia khác, trong các chương trình sàng lọc ung thư vú tại Việt Nam.

Về cách tầm soát hiệu quả, các chuyên gia của hội nghị đều khẳng định chụp nhũ ảnh bằng thiết bị mammography sẽ hiệu quả chẩn đoán cao nhất. Tuy nhiên, chi phí cho một lần chụp không rẻ và thiết bị này rất đắt tiền nên không phải đơn vị y tế nào cũng có.

Do đó, BS Hồng Cúc, với 20 năm kinh nghiệm siêu âm ung thư vú, đã đề xuất thực hiện theo khuyến cáo đối với các nước nghèo, đang phát triển ở mức độ trung bình của các tổ chức uy tín trên thế giới.

Đó là ưu tiên khám lâm sàng: dạy cho người phụ nữ cách khám vú và bác sĩ khám cho bệnh nhân.

Tiếp đó, cần đẩy mạnh siêu âm vú định kỳ vì siêu âm không độc hại lại có thể phát hiện u vú có kích thước nhỏ dưới 1cm.

BS Hồng Cúc cho biết đã từng siêu âm phát hiện những khối u khi mới chỉ 5mm. Bệnh nhân khi đó chỉ phải phẫu thuật bảo tồn, dùng thuốc nội tiết và sống khỏe mạnh, không tái phát bệnh.

Theo BS Cúc đánh giá, người dân hiện đã có ý thức hơn, không chỉ có dấu hiệu bất thường mà ngay cả khi chưa có dấu hiệu gì, nhiều chị em cũng rất chăm đi khám nên nhiều trường hợp phát hiện sớm, điều trị hiệu quả.

Như trường hợp một bệnh nhân 22 tuổi (sống tại TPHCM) đến khám vú khi sắp lập gia đình. Do chưa có hạch nên kết quả điều trị rất tốt. Đầu năm 2017 vừa qua (sau 8 năm điều trị), bệnh nhân này đã về thăm bác sĩ Cúc và cho biết đã sinh 2 con khỏe mạnh.

Như vậy việc tầm soát sớm và đi khám ngay khi có dấu hiệu lạ bất kỳ ở độ tuổi nào cũng sẽ giảm thiểu được rủi ro cho chị em.

Hội thảo Ung thư vú Việt - Pháp đã diễn ra tại bệnh viện K từ ngày 26-28/4 với sự tham dự của đoàn chuyên gia từ nhiều trường đại học, bệnh viện lớn của Pháp như ĐH Paris Diderot - Paris, bệnh viện Avicenne Pháp, Viện Nghiên cứu dự phòng ung thư quốc tế ở Lyon....

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã có buổi gặp gỡ trao đổi thông tin về tình hình mắc ung thư cũng như công tác phòng chống ung thư mỗi nước, đồng thời chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong công tác phòng chống ung thư của nước Pháp.

Trần Phương

(Email: tranthuphuong@dantri.com.vn)

Tag :ung thư vú, Bệnh viện K, phụ nữ lớn tuổi, siêu âm, khám sàng lọc ung thư vú