Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Bệnh nhân chỉ 1 ngày đã ra viện, chúng tôi phải mất 10 năm nghiên cứu và thực hành”

Sáng nay (27/10), bệnh nhân Dương Thị Miến, (53 tuổi, xóm Vọng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) – người đầu tiên vừa được BV hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi để điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ đã chính thức được ra viện.

Điều đặc biệt là, ca phẫu thuật chỉ vừa được thực hiện cách đây hơn 24 tiếng đồng hồ, trong khi nếu được điều trị theo phương pháp phẫu thuật mở thông thường, nếu thành công thì bệnh nhân phải nằm viện ít nhất 10 ngày, thậm chí hàng tuần thì sức khỏe mới hồi phục hoàn toàn.

Chỉ sau phẫu thuật 1 ngày, cánh tay của bệnh nhân Dương Thị Miến đã có thể cử động dễ dàng, ngón tay không còn bị liệt và đặc biệt phần vai gáy, cổ không còn đau nhức do bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

Chỉ sau phẫu thuật 1 ngày, cánh tay của bệnh nhân Dương Thị Miến đã có thể cử động dễ dàng, ngón tay không còn bị liệt và đặc biệt phần vai gáy, cổ không còn đau nhức do bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

Gặp chúng tôi, bà Dương Thị Miến ngồi cạnh người chồng của mình và nở nụ cười thật tươi. “Hơn 1 tháng nay, tối qua là lần đầu tiên tôi được ngủ một giấc thật ngon. Cũng là lần đầu tiên cánh tay phải của tôi có thể cử động dễ dàng đến thế. Cảm giác của tôi lúc này thật là kỳ diệu và tuyệt vời, cứ ngỡ như mình đang mơ vậy”, bà Miến thật thà chia sẻ.

Bà Miến cho hay, bà bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ với nhiều triệu chứng như tê nhức tay phải, đau vùng vai gáy đã nhiều năm nay. Suốt một tháng qua, căn bệnh ngày càng trầm trọng, khiến tay bà không cử động nổi, các ngón tay có triệu chứng bị liệt, đặc biệt vùng cổ đau nhức khiến hàng đêm bà chỉ ngủ ngồi chứ không nằm thẳng như bình thường được. Bà Miến đã uống bao nhiêu loại thuốc nam, đi bao nhiêu thầy thuốc nhưng căn bệnh không có dấu hiệu giảm mà ngày càng nặng.

“Khi vào bệnh viện Việt Đức điều trị bản thân tôi có cảm giác lo lắng, tuyệt vọng lắm. Vậy mà thật kỳ diệu sau mổ tôi đã tìm lại được một cuộc sống khỏe mạnh bình thường. Và thật hạnh phúc khi biết mình là người đầu tiên được phẫu thuật bằng phương pháp nội soi để điều trị căn bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ”, bà Miến nói thêm.

PGS-TS Nguyễn Văn Thạch trực tiếp thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ cho bệnh nhân Dương Thị Miến vào ngày 25/10.

PGS-TS Nguyễn Văn Thạch trực tiếp thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ cho bệnh nhân Dương Thị Miến vào ngày 25/10.

Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là một kỹ thuật khó, việc áp dụng thành công phương pháp này là thành tựu mới của y học Việt Nam do các bác sĩ BV Việt Đức thực hiện

Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là một kỹ thuật khó, việc áp dụng thành công phương pháp này là thành tựu mới của y học Việt Nam do các bác sĩ BV Việt Đức thực hiện

Trao đổi với PV Dân trí, PGS-TS Nguyễn Văn Thạch, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cùng với ê-kip của mình, cho biết: “Phải khẳng định đây là một thành tựu của y học ở Việt Nam, vì cho đến nay đây là lần đầu tiên việc điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ bằng phương pháp nội soi được thực hiện. Thành quả của ngày hôm nay là cả một quá trình các y bác sĩ của chúng tôi phải học hỏi, thực hành suốt gần 10 năm qua mới có thể đưa nó vào thực tế”.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Thạch, phương pháp nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là một kỹ thuật vô cùng khó. “Chúng tôi nói vô cùng khó là vì việc mổ nội soi ở vị trí cổ rất nhỏ so với mổ mở. Hai là vùng mổ ở cổ cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân do có tủy sống và nhiều dây thần kinh.

Hiện tại điều trị nội soi thoát vị đĩa đệm ở đốt sống cổ chỉ mới có BV Việt Đức thực hiện đầu tiên. Không những thế, ngay cả điều trị thoát vị đĩa đệm ở đốt sống thắt lưng cũng chỉ có hai, ba cơ sở y tế ở Việt Nam thực hiện được”, bác sĩ Thạch chia sẻ.

Phần thoát vị đĩa đệm nhô ra ngoài trước khi được phẫu thuật của bệnh nhân

Phần thoát vị đĩa đệm nhô ra ngoài trước khi được phẫu thuật của bệnh nhân

Sau khi phẫu thuật nội soi thì phần thoát vị đã được lấy hết giúp bệnh nhân hết các triệu chứng tê nhức tay phải, đau mỏi vùng gáy trước đó

Sau khi phẫu thuật nội soi thì phần thoát vị đã được lấy hết giúp bệnh nhân hết các triệu chứng tê nhức tay phải, đau mỏi vùng gáy trước đó

Để thực hiện thành công phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, các bác sĩ bệnh viện Việt Đức đã phải trải qua hàng nghìn ca phẫu thuật nội soi ở đốt sống thắt lưng (vị trí ở thắt lưng dễ thực hiện hơn với đốt sống cổ do đốt sống thắt lưng chỉ có dây thần kinh, điểm nội soi rộng hơn để thực hiện – PV), trải qua hàng nghìn ca phẫu thuật mở đối với đốt sống cổ để rèn giũa nâng cao tay nghề.

TS-BS Nguyễn Hoàng Long (ngoài cùng bên phải) cùng các y bác sĩ khoa Phẫu thuật cột sống BV Việt Đức tặng hoa chúc mừng bệnh nhân Dương Thị Miến (thứ 2 từ phải sang) được ra viện và thoát khỏi căn bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

TS-BS Nguyễn Hoàng Long (ngoài cùng bên phải) cùng các y bác sĩ khoa Phẫu thuật cột sống BV Việt Đức tặng hoa chúc mừng bệnh nhân Dương Thị Miến (thứ 2 từ phải sang) được ra viện và thoát khỏi căn bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

Theo TS-BS Nguyễn Hoàng Long, Phó Khoa Phẫu thuật Cột sống, Viện Chấn thương Chỉnh hình BV Việt Đức, điều đáng mừng hơn nữa là chi phí giữa phẫu thuật nội soi đốt sống cổ, đốt sống thắt lưng khá rẻ, chỉ vào khoảng 60 triệu đồng, trong khi cũng kỹ thuật này áp dụng ở nước ngoài chi phí có thể lên đến cả tỷ đồng.

“Bệnh nhân áp dụng phương pháp này có ưu điểm nhanh chóng hồi phục sức khỏe, tiết kiệm được thêm nhiều chi phí khác so với phương pháp truyền thống là phẫu thuật. Với thành công này, sắp tới sẽ có thêm rất nhiều bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật mới để tìm lại cuộc sống khỏe mạnh bình thường cho mình”, TS-BS Nguyễn Hoàng Long nói.

Thế Nam

Tag :Thoát vị đĩa đệm, đốt sống cổ, phương pháp nội soi, bệnh viện Việt Đức

Công việc bàn giấy đang “tiêu diệt” bạn ra sao?

Hội chứng ống cổ tay

Có lẽ hậu quả sức khỏe nổi tiếng nhất của công việc bàn giấy là hội chứng ống cổ tay, gây tê, yếu và đau ở bàn tay, cổ tay và cánh tay do tư thế bàn làm việc và sử dụng bàn phím chèn ép vào dây thần kinh.

Hội chứng ống cổ tay là thuật ngữ dùng để chỉ "đường đi bị cứng và thu hẹp của dây chằng và xương ở cổ tay. Dây thần kinh giữa chạy qua đây, từ cánh tay đến bàn tay, và điều khiển cảm giác ở nhiều vùng của bàn tay.

Đau vai gáy

Vô tình cúi đầu vào màn hình máy tính và liên tục vẹo cổ để kẹp điện thoại giữa vai và tai sẽ khiến vùng vai gáy bị căng cứng. Lặp đi lặp lại những việc này theo thời gian có thể "dẫn đến sự mất cân bằng vĩnh viễn " ở đốt sống cổ, theo tờ Washington Post.

Gù gáy cũng ảnh hưởng đến phần cột sống còn lại, tới vai và lưng.

Huyết khối tĩnh mạch

Ngồi lâu một chỗ trong không gian chật hẹp có thể gây huyết khối tĩnh mạch sâu trong các tĩnh mạch của chân, đôi lúc có thể vỡ ra, di chuyển đến phổi và gây chết người. Phần lớn nạn nhân là những người phải đi máy bay đường dài, nhưng mô tả này cũng phù hợp với những người mà công việc khiến họ phải ngồi tù túng ở bàn làm việc.

“Nếu bạn ngồi bàn giấy 90 phút hoặc hơn, máu lưu thông ở bắp chân sẽ giảm 50%, làm tăng đáng kể nguy cơ huyết khối,” Beverley Hunt, bác sĩ huyết học tại Bệnh viện Guy’s & St Thomas ở London cho biết.

Những người khác cũng hay bị huyết khối tĩnh mạch sâu mặc dù không đi xa là những người phải ngồi hàng giờ dưới hầm trú ẩn tránh bom trong chiến tranh thế giới thứ II.

Ngồi bàn giấy nhiều giờ mỗi ngày có thể âm thầm giết chết bạn
Ngồi bàn giấy nhiều giờ mỗi ngày có thể âm thầm giết chết bạn

Cứng cột sống

Ngồi trong thời gian dài có thể gây cứng và đè ép vào những phần khác nhau của cột sống. Đĩa đệm giữa các đốt sống luôn "co giãn như bọt biển, thấm hút chất dinh dưỡng trong máu ", nhưng chúng sẽ co giãn không đều khi ngồi lâu. Các gân và dây chằng ở cột sống cũng trở nên cứng.

Thoái hóa xương khớp

Không hoạt động thể lực đủ từ ngày này sang ngày khác sẽ làm xương suy yếu và cuối cùng có thể dẫn đến loãng xương, một căn bệnh khiến xương dễ gãy hơn. Viện Y tế quốc gia Mỹ cho biết bệnh xương rất khó phát hiện, vì vậy một số người thậm chí không biết mình bị bệnh cho đến khi bị gãy xương. Nhưng những hoạt động đơn giản như leo cầu thang, đi bộ và khiêu vũ có thể giúp ngăn ngừa loãng xương.

Không săn chắc

Bệnh viện Mayo đã liên hệ việc ngồi lâu với béo phì và các rối loạn chuyển hóa như cholesterol cao, đường huyết và huyết áp cao. Những tình trạng này lại đi kèm với những nguy cơ khác, chẳng hạn như bệnh tim mạch. "Những hoạt động cơ bắp cần thiết cho đứng và đi lại có vẻ kích thích những quá trình quan trọng liên quan giáng hóa mỡ và đường trong cơ thể," bài báo nói. "Khi bạn ngồi, những quá trình này bị ngưng trệ - và nguy cơ sức khỏe tăng lên. Khi bạn đứng hoặc đi lại, bạn kích hoạt các quá trình này hoạt động trở lại".

Cẩm Tú

Theo Medical Daily

Tag :vật liệu độc hại, hội chứng ống cổ tay, dây thần kinh, đau vai gáy, đốt sống cổ, nguy cơ huyết khối

Cách phân biệt vết zona thần kinh, "giời leo" và kiến ba khoang cắn

Rất nhiều người bị tổn thương nặng do nhầm lẫn vết kiến 3 khoang với bệnh zona thần kinh, giời leo, cộng với họ tự mua thuốc bôi, tự chữa theo dân gian đã làm vết tổn thương loét sâu. Hậu quả là việc điều trị tốn nhiều thời gian, có khi hơn 1 tháng mà còn để lại vết thâm rất mất thẩm mỹ trong thời gian dài.

Giời leo: Là da bị bỏng do chất acid photpho hữu cơ của côn trùng bọ giời, gây sưng đỏ, rát… Vị trí xuất hiện đa dạng, nhưng chỉ sau 5- 7 ngày là khỏi.

Thương tổn giời leo. Ảnh minh họa
Thương tổn giời leo. Ảnh minh họa
Thương tổn zona. Ảnh minh họa
Thương tổn zona. Ảnh minh họa

Bệnh zona thần kinh: Hay gặp ở người từng bị thủy đậu (do virus thủy đậu tái hoạt động khiến các dây thần kinh cảm giác dưới da bị tổn thương, gây đỏ, ngứa, đau nhức, mủ trắng trên da). Vị trí xuất hiện thường chỉ ở một bên cơ thể như lưng, mặt...

Triệu chứng zona thần kinh gặp đầu tiên là:

- Tự dưng đau nhức nhối dọc theo dây thần kinh nửa bên người (nơi vùng da sắp nổi thương tổn), cục bộ sẽ phát ngứa, nóng rát, đau nhức dữ dội.

- Các bọng nước to lõm ở giữa, hoặc mọc thành chùm mụn nước rất đặc trưng, xuất hiện ở một bên cơ thể, làn dần và đỏ ửng, tổn thương phân bổ quanh dây thần kinh,

- Đau dữ dội thần kinh, đau đầu, đau nửa đầu, kèm sưng hạch bạch huyết vùng lân cận. Trẻ em đau nhẹ, hoặc không đau. Nhưng người già đau rất dữ dội.

Nếu không bị viêm nhiễm, các nốt mụn trong suốt sẽ vẩn đục, khô và đóng vẩy. Khi khỏi tạm thời vẫn lưu lại sắc tố trên da và có thể tái nhiễm sau vài tháng, vài năm do chức năng miễn dịch bị thiếu hụt tiềm ẩn.

Tổn thương da của bệnh zona thần kinh thường chỉ bị một nửa người, không bao giờ bị cả hai bên.

Kiến ba khoang: Bị cả hai bên, hoặc bị nhiều nơi ở vùng da hở (mặt, cổ, ngực, vai, gáy…) và sẽ tiếp tục tiến triển, cơ thể râm ran khó chịu.

12-24 giờ sau khi xuất hiện vết đỏ rát do kiến 3 khoang sẽ xuất hiện thương tổn điển hình (da rát bỏng, phồng rộp thành vệt, hoặc đám, nổi mụn nước ở giữa, trẻ con có thể sốt nhẹ, nổi hạch...). Nếu ngứa gãi sẽ lan ra vùng da lành, vùng nếp gấp.

- Sau 3 ngày thương tổn đỡ rát bỏng, bong vảy. Sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng vết rát sẽ thâm rất lâu.

Bị kiến ba khoang gây tổn thương, cần sơ cứu ngay bằng cách rửa cồn 70, 90 độ, Betadine, hoặc rửa xà phòng 3 lần rồi xịt nước hoa… thật kỹ để giảm phần lớn nổi bọng nước.

Nếu không thấy kiến ba khoang, nhưng da tự dưng nổi các vết ban đỏ, lấm tấm mụn nước thì nên nghi bị kiến 3 khoang gây tổn thương, cần rửa ngay vùng da đó bằng nước muối sinh lý 3-4 lần/ngày để trung hòa chất tiết của côn trùng.

Nên đi khám sớm để bác sĩ điều trị đúng, và nếu vết tổn thương nặng sẽ được dùng thuốc kháng histamin, kháng sinh.

Tổn thương da do kiến 3 khoang. Ảnh minh họa
Tổn thương da do kiến 3 khoang. Ảnh minh họa

Phòng tránh kiến ba khoang

Khi nhìn thấy kiến ba khoang bám trên người, hay quần áo, đồ đạc trong nhà, tuyệt đối không dùng tay giết, chà xát. Hãy thổi chúng ra xa, hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên để lấy nó ra khỏi người. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với loài côn trùng này bằng nước sạch - xà phòng, bôi thuốc sát trùng nhẹ.

Theo hướng dẫn của Thạc sĩ, bác sĩ Mai Hương (BV Nhi trung ương), đề phòng côn trùng bay vào nhà hãy hạn chế mở cửa nhiều, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... Nên đóng cửa, kéo rèm, hạn chế bật đèn và tránh dùng đèn neon, đèn led... vì rất hút côn trùng. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng công cộng, hay làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay bay tới nơi có đèn sáng.

- Không dùng tay trần để bắt, giết kiến ba khoang.

- Nên ngủ trong màn. Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng. Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm quanh nhà để kiến không trú ẩn.

- Khi làm việc trên đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng (nhất là mùa thu hoạch, mùa mưa bão, cần mặc quần áo dài, đội mũ nón, đeo khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.

- Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng, xà phòng...

- Dù ngứa rát râm ran rất khó chịu nhưng tuyệt đối không gãi vết thương tổn vì sẽ làm loét, hở vết tổn thương, gây nhiễm trùng rất nguy hiểm.

- Hãy rửa sạch tay với xà phòng, rồi mới bôi thuốc vào vùng da bị tổn thương.

- Uống thuốc theo y lệnh.

Theo Ngọc Hà

Gia đình & Xã hội

Tag :kiến ba khoang, dây thần kinh, Đau nửa đầu, chức năng miễn dịch

Bắt 2 tạ thịt gà bốc mùi hôi thối

Vào khoảng 9h ngày 26/10, Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng chức năng xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà tiến hành kiểm tra 2 đối tượng vận chuyển hàng hóa có nhiều dấu hiệu khả nghi tại bến xe khách Hà Tĩnh (thuộc xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).

Kiểm tra số hàng hóa, lực lượng chức năng phát hiện 200 kg thịt gà qua sơ chế, đã bốc mùii hôi thối. Tại đây, hai đối tượng không trình được giấy giấy tờ hợp lệ, không có giấy kiểm dịch và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với số lượng thịt gà nói trên.

Số thịt gà hôi thối được bắt giữu tại bến xe khách Hà Tĩnh
Số thịt gà hôi thối được bắt giữu tại bến xe khách Hà Tĩnh

Qua đấu tranh khai thác, 2 đối tượng khai nhận là Nguyễn Xuân Dũng trú tại (xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) và Trương Anh Lĩnh (trú tại tổ 1 phường Trần Phú, Tp Hà Tĩnh). Số lượng gà sơ chế này được vận chuyển bằng xe khách từ Thái Nguyên về sau đó Dũng và Lĩnh sẽ dùng xe máy để vận chuyển số lượng thịt trên để nhập cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh.

Hiện chính quyền xã Thạch Đài và các lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản và tiêu hủy toàn bộ số thịt gà nói trên và đưa hai đối tượng Dũng và Lĩnh về trụ sở công an để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Phượng Vũ

Tag :Thịt gà, Thạch Đài, tiêu hủy, thái nguyên, hôi thối, không nguồn gốc

Thực hư cô gái bị liệt vì hít bóng cười

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về L.M.A. (sinh năm 1994, Hà Nội), một cô gái trẻ bị có biểu hiện choáng váng, buồn nôn, tay chân co giật và sau vài tiếng thì mất cảm giác vì hút quá nhiều bóng cười, phải nhập khoa Thần Kinh (BV Bạch Mai) tối ngày 17/10 điều trị sau khi sử dụng bóng cười tại một quán bar trên phố Lương Ngọc Quyến (Hà Nội),

Trả lời về trường hợp này, TS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân nhập viện vì một bệnh lý khác, dù có dấu hiệu chân tay yếu, yếu vận động nhưng không liên quan đến hút bóng cười như thông tin lan truyền trên mạng.

Theo đó, cô gái này nhập viện với các biểu hiện của bệnh lý khác viêm tủy cắt ngang. Đây là một bệnh tự miễn, hiện các bác sĩ vẫn đang làm một loạt các thăm dò, chọc tủy, xét nghiệm miễn dịch… để tìm ra bệnh của cô gái. Trước mắt có thể nói, bệnh lý của bệnh nhân không liên quan đến bóng cười.

Được biết, chất N2O trong bóng cười ở một số nước vẫn sử dụng trong y tế, đặc biệt là trong nha khoa khi nhổ răng, nha sĩ vẫn sử dụng để giúp bệnh nhân đỡ lo lắng, hưng thần hơn.

Hồng Hải

Tag :Bệnh viện Bạch Mai, nhập viện cấp cứu, Lương Ngọc Quyến

TPHCM: Số tiền chi bảo hiểm y tế đã vượt quỹ

Ngày 26/10, Sở Y tế thành phố đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tổ chức sơ kết công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong 9 tháng đầu năm 2016.

Thống kê của Bảo hiểm Xã hội cho thấy, tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn từ đầu năm đến hết tháng 9/2016 là 6.633 tỷ đồng. Quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế đã chi vượt quỹ 179 tỷ đồng, vượt trần gần 376 tỷ đồng.

Quản lý lỏng lẻo sau thông tuyến là nguyên nhân chính gây thất thoát quỹ
Quản lý lỏng lẻo sau thông tuyến là nguyên nhân chính gây thất thoát quỹ

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố, cho biết, hiện khoản tiền vượt quỹ, vượt trần vẫn chưa được Bảo hiểm Xã hội chi trả cho các bệnh viện. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng bội chi, vượt trần bảo hiểm y tế là do tác động của quy định thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có hiệu lực từ tháng 3/2016.

Khác với trước đây, người dân tham gia bảo hiểm y tế phải đến khám chữa bệnh tại nơi đăng ký bảo hiểm ban đầu, sau khi quy định thông tuyến có hiệu lực, người dân có thể đến bất kỳ bệnh viện tuyến quận huyện nào để khám chữa bệnh. Trong khi người bệnh được quyền khám chữa bệnh ở nhiều nơi nhưng vẫn hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế thì hệ thống quản lý, giám sát chưa hoàn thiện dẫn tới tình trạng một người trong thời gian ngắn đi khám bệnh lấy thuốc nhiều nơi để trục lợi từ quỹ bảo hiểm y tế.

Mặt khác, công tác quản lý thông tuyến còn lỏng lẻo, các cơ sở khám chữa bệnh còn có nhiều sai sót trong chuyên môn, thủ tục pháp lý, hành chính trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh kê thuốc bảo hiểm y tế không phù hợp đã gây thất thoát cho quỹ bảo hiểm.

Trước thực trạng trên, đại diện Bảo hiểm Xã hội thành phố yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh kịp thời có giải pháp ngăn chặn tình trạng thất thoát quỹ bảo hiểm y tế bằng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý người bệnh thông tuyến, chấn chính những sai sót hạn chế trong thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Khẳng định việc thông tuyến bảo hiểm y tế đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh, tuy nhiên, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng bảo hiểm y tế chi vượt quỹ, vượt trần. Bên cạnh việc đề nghị các bệnh viện tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho cộng đồng, Phó Giám đốc Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc có giải pháp chấn chỉnh để ngăn chặn tình trạng thất thoát quỹ.

Vân Sơn

Tag :cơ sở khám chữa bệnh, thuốc bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm, vượt trần, vượt quỹ, vỡ quỹ

Trào lưu bơm to "cậu nhỏ"

Nhiều bậc mày râu tin rằng sau khi bơm loại chất lỏng này sẽ làm “cậu nhỏ” to hơn. Thế nhưng có người chưa được thấy hạnh phúc đã ôm hận cả đời do biến chứng không lường.

Suýt tử vong vì muốn hơn người

Trường hợp hi hữu xảy ra vừa qua tại khoa Cấp cứu BV Đa khoa Cần Thơ, nạn nhân là anh TTD (sinh năm 1984). BV tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng đau nhức, khó thở nhiều, hai mông và dương vật bị sưng vù, tấy đỏ. Sau đó bệnh nhân chuyển sang giai đoạn suy hô hấp nặng.

Theo bệnh sử người nhà cung cấp, anh D. trước giờ làm ruộng, có người yêu cùng xóm và đang chuẩn bị làm đám cưới. Sáng cùng ngày, anh D. cùng một người bạn đã mua “dầu máy” từ một người bán dạo về bơm vào dương vật và mông với mong muốn của quý và vòng ba đều đẹp như mơ ước. Tuy nhiên, sau khi tiêm anh bị biến chứng khó thở và được đưa vào BV cấp cứu.

Các bác sĩ cho biết “dầu máy” mà anh D. bơm vào thực ra là một loại silicon lỏng, nhìn bề ngoài tựa như dầu ăn hay dầu nhờn dùng để bôi trơn động cơ. Chất này và các hỗn hợp của nó pha với một số chất khác như dầu thực vật được ngành thẩm mỹ sử dụng để làm đầy các khuyết lõm dưới da, tăng khối lượng mô theo ý muốn. Nhờ tính trơ của nó, sau khi bơm vào dưới da, silicon không bị biến đổi mà hình thành những nang, túi trong mô như những túi độn làm căng đầy mô da, tạo hình thể theo ý muốn.

Theo các bác sĩ, silicon được chích vào với liều lượng quá lớn có thể ngấm vào mô mỡ và mạch máu gây tắc phổi, suy hô hấp. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân có cơ địa không tốt, bị tim, huyết áp thấp dẫn đến biến chứng nặng nề không thể cấp cứu, bệnh nhân tử vong một giờ sau đó.

Các bác sĩ BV Bình Dân phẫu thuật cho bệnh nhân gặp biến chứng do bơm silicon. Ảnh: Hải Âu

Trường hợp anh D. không phải là trường hợp duy nhất từ trước đến nay ghi nhận được. Khoa Nam học BV Bình Dân TP.HCM cũng là nơi tiếp nhận thường xuyên những trường hợp biến chứng do dại dột tự ý bơm chất làm to dương vật.

Anh HVT (27 tuổi, Cà Mau) kể lại cách đây hơn hai tháng, trong một chuyến đi biển đánh cá, anh có gặp nhiều người bạn, họ chia sẻ về bí quyết làm to “cậu nhỏ”. “Do tự ti về bản thân, nghe họ nói làm cũng an toàn mà “cậu nhỏ” lại đẹp như ý. Tui ham quá cũng đưa cho họ 300.000 đồng mua “dầu máy”. Sau đó, anh được họ tiêm loại dầu này vào dương vật để tăng kích cỡ” - anh T. kể.

Sau bơm một tuần, anh T. cho biết ban đầu cũng có tác dụng, thấy “cậu nhỏ” to hơn trước, mọi hoạt động đều bình thường. Tuy nhiên, đến tuần thứ hai, niềm vui của anh bị gián đoạn khi “cậu nhỏ” cứ to lên không mong muốn, nhiều lúc tự nhiên cương đau, phải sử dụng đến thuốc kháng sinh. “Lúc đó tôi không còn khoái cảm làm chuyện gì nữa, việc đi vệ sinh cũng gặp khó khăn rất lớn, da chuyển sang thâm tím và dương vật có mùi hôi. Tôi sợ quá đi khám ở BV Cà Mau, được các bác sĩ khuyên lên TP.HCM phẫu thuật sớm, nếu không sẽ ảnh hưởng tính mạng” - anh T. kể.

Qua thăm khám, bác sĩ cho biết lượng silicon bơm vào đã vón thành cục, nằm dưới lớp da của dương vật khiến “cậu nhỏ” anh T. sần sùi, biến dạng. Do silicon đã lan vào các cơ quan khác, ảnh hưởng cả dây thần kinh, vì vậy trước tiên phải tiến hành nạo toàn bộ silicon. Sau đó bệnh nhân phải được phẫu thuật ít nhất là hai lần để tái tạo lại “của quý”.

Phải cấm silicon dạo như ma túy

Theo BS Mai Bá Tiến Dũng - khoa Nam học BV Bình Dân TP.HCM, các biến chứng từ silicon dạo vô cùng đa dạng và không thể lường trước. Phụ nữ sính đẹp vòng một, nam giới thì sính to “của quý”. Dẫn đến đua theo việc bơm silicon, giúp những kẻ chuyên lợi dụng tâm lý người có nhu cầu để kiếm lợi, bất chấp nguy hiểm.

BS Dũng phân tích khi dương vật có biến chứng do bơm silicon, nếu không phẫu thuật kịp thời thì rất nguy hiểm đến tính mạng. Silicon lỏng lâu ngày sẽ chảy len lỏi vào các mô da gây phù nề, hoại tử. Silicon lỏng nằm dưới da không chỉ tạo nên những bệnh tích nặng nề về mặt thẩm mỹ mà còn gây ra những phản ứng mẫn cảm thực sự ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bệnh nhân. Khi bơm vào dương vật, silicon lỏng sẽ diễn biến xấu dần đi theo nhiều cách, tùy theo phản ứng của cơ thể mỗi người. Hay nói đúng hơn và tùy vào cơ địa bản thân sẽ quy định loại silicon được dùng, theo liều, số lần chích và kỹ thuật chích mà có thể nhanh hay chậm, nặng hay nhẹ. Do đó, việc bơm silicon không rõ nguồn gốc là quá mạo hiểm, chưa nói đến việc tự ý bơm không có sự quản lý, kiểm soát về chuyên môn.

Theo BS Dũng, khoa Nam học BV Bình Dân từng gặp nhiều trường hợp dương vật bị hư hại, hoại tử… Hầu hết bệnh nhân đều được phẫu thuật nạo mô, cắt toàn bộ da để lấy hết silicon ra. Sau ba tháng, bệnh nhân mới được tạo hình dương vật bằng cách lấy da đùi hoặc da bìu đắp lên. Trong khoảng thời gian này bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi đi tiểu và không thể sinh hoạt như bình thường được.

Không nên dùng silison trôi nổi

Theo BS Phan Đức Minh - Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, có hai loại silicon dùng trong thẩm mỹ như chất liệu độn là silicon lỏng và silicon dẻo. Silicon lỏng được thiết kế để sử dụng cho y học là loại silicon có độ nhớt cao gấp 350 lần độ nhớt của nước, tương tự như dầu máy. Những loại silicon có độ nhớt càng cao thì càng ít bị hấp thu, càng giữ được hình khối, ít bị biến dạng và càng ít gây phản ứng cơ thể. Loại này có đặc tính lý hóa của silicon nói chung nhưng có ưu điểm là dễ sử dụng. Những loại silicon lỏng trôi nổi trên thị trường thường có màu vàng sánh, lỏng nhìn giống dầu máy nên các quý ông thường gọi đó là “dầu máy” hỗ trợ làm đẹp, loại này có thể nguy hại đến sức khỏe.

Khoa Nam học BV Bình Dân mỗi năm vẫn tiếp nhận từ 10 đến 15 bệnh nhân rơi vào trường hợp này. May mắn là không có trường hợp nào tử vong nhưng rất tốn kém về mặt chi phí và sức khỏe.

BS MAI BÁ TIẾN DŨNG, khoa Nam học BV Bình Dân

Theo Hải Âu

Pháp luật TPHCM

Tag :suy hô hấp, Huyết áp thấp, tăng kích cỡ

Hội Nhi khoa Mỹ hướng dẫn cách trẻ tiếp xúc với thế giới ảo

Hội Nhi khoa Mỹ (AAP) đã phát hành bộ hướng dẫn mới để giúp các bậc phụ huynh và gia đình cân nhắc trong khi cho con tiếp xúc với thế giới ảo:

Phương tiện truyền thông có thể được sử dụng như một công cụ để tăng cường kết nối gia đình khi sử dụng cùng nhau.
Phương tiện truyền thông có thể được sử dụng như một công cụ để tăng cường kết nối gia đình khi sử dụng cùng nhau.

Trọng tâm của các khuyến nghị cập nhật dành cho các bậc cha mẹ không chỉ chú ý đến lượng thời gian mà trẻ sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số, mà còn ở việc trẻ sử dụng như thế nào, khi nào và ở đâu.

Không nên áp lực khi cho trẻ nhỏ làm quen với các thiết bị mới

Các nghiên cứu bước đầu cho thấy dưới 3 tuổi, bộ não chưa trưởng thành của trẻ khó chuyển tiếp những gì trẻ nhìn thấy trên màn hình thành kiến ​​thức trong đời sống thực. Đây cũng là thời kỳ não bộ phát triển não nhanh chóng mà trẻ cần thời gian phân bổ để chơi, ngủ, học cách kiểm soát cảm xúc, và xây dựng các mối quan hệ. Tuy nhiên, "Phương tiện truyền thông kỹ thuật số đã trở thành một phần tất yếu của thời thơ ấu đối với nhiều trẻ nhỏ, nhưng nghiên cứu về ảnh hưởng của nó đến sự phát triển của trẻ còn hạn chế.Chúng ta vẫn chưa biết liệu tính tương tác sẽ giúp ích hay cản trở quá trình này", TS Jenny Radesky, một chuyên gia về phát triển hành vi và là bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Mott, trường Đại học Michigan, nói.

Do đó, ngoại trừ chat video - đã được chứng minh là giúp trẻ học các kỹ năng mới và tương tác xã hội – nên tránh tất cả các dạng truyền thông kỹ thuật số trước 18 tháng tuổi.

Trong khi đó, nghiên cứu ở trẻ trên 3 tuổi khá rõ ràng và cho thấy rằng các chương trình chất lượng cao như Sesame Street có thể giúp trẻ em học các ý tưởng mới, nâng cao hiểu biết và kết quả xã hội.

Đối với trẻ em từ 2-5 tuổi, phương tiện truyền thông nên được giới hạn trong 1 tiếng/ngày và nên bao gồm một chương trình hoặc hoạt động chất lượng mà cả cha mẹ và trẻ có thể xem và tham gia cùng nhau.

Hội Nhi khoa Mỹ cũng nhấn mạnh rằng các gia đình có thể duy trì một sự cân bằng lành mạnh.Cha mẹ không nên cảm thấy áp lực phải cho con làm quen sớm với công nghệ, và yên tâm rằng các giao diện luôn trực quan đến mức trẻ sẽ nhanh chóng nắm bắt được một khi chúng bắt đầu sử dụng.

Không nên dùng thiết bị thông minh để dỗ trẻ

AAP lưu ý rằng tuy nhiều ứng dụng mà các bậc cha mẹ tìm thấy đều nằm trong thể loại "giáo dục" ở các cửa hàng trên điện thoại thông minh và máy tính bảng, song đa số chúng không dựa trên bằng chứng và ít hoặc không có sự hỗ trợ của các chuyên gia giáo dục.

Điểm nổi bật từ các khuyến nghị này bao gồm cấm phương tiện truyền thông kỹ thuật số 1 giờ trước khi đi ngủ, tắt các thiết bị không sử dụng, và đảm bảo rằng phòng ngủ, bữa ăn, và đa số giờ chơi của phụ huynh và con cái không trên màn hình.

Tuy truyền thông kỹ thuật số có thể là một công cụ hữu ích để dỗ trẻ khi đang trên máy bay hoặc khi làm thủ thuật y tế, song không nên dùng nó như một phương pháp chính để xoa dịu trẻ. Theo TS Redesky, sử dụng các thiết bị như một chiến lược để dỗ dành sẽ hạn chế khả năng điều chỉnh cảm xúc của trẻ.

Bất chấp những ý định hạn chế thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông, chúng đã bắt rễ sâu vào văn hóa hàng ngày. Do đó các gia đình phải thực tế về những cách sử dụng lành mạnh phương tiện truyền thông từ khi trẻ còn rất nhỏ đồng thời với việc đặt ra hạn chế về thời gian.

"Video chat với ông bà, cùng nhau xem những video khoa học, cùng nhảy múa theo nhạc, tìm kiếm các công thức nấu ăn mới hay ý tưởng nghề ngiệp, chụp ảnh và video để cho nhau xem, có một đêm phim gia đình. Đó chỉ là một vài cách sử dụng phương tiện truyền thông như một công cụ để hỗ trợ kết nối gia đình ", Tiến sĩ Radesky nói.

Đối với trẻ em từ 18-36 tháng, điều thiết yếu là người lớn cần phải tương tác với trẻ trong khi sử dụng phương tiện truyền thông, giúp trẻ hiểu những gì chúng nhìn thấy trên màn hình và nó có liên quan như thế nào với thế giới xung quanh.

Cẩm Tú

Theo MNT

Tag :thế giới ảo, máy tính bảng, bệnh viện Nhi đồng, Đại học Michigan

Inforgraphic: Những sự thật kỳ diệu của trái tim

Để trân trọng hơn cơ quan thiết yếu này, hãy xem 11 sự thật kì diệu dưới đây về trái tim. Bạn sẽ khám phá ra những điều thú vị về trái tim của mình, và làm thế nào để chăm sóc tốt cho nó. Hãy chia sẻ những thông tin này với bạn bè và những người thân yêu!

Cẩm Tú

Inforgraphic: Ngọc Diệp

Suýt liệt vì đi chữa bệnh bằng...giẫm đạp

Chiều 24-10, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Sa Đéc, Đồng Tháp cho biết đang tiếp nhận điều trị cho bà Nguyễn Thị Năm (68 tuổi) ngụ ấp Phú Thuận, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc. Bà Năm nhập viện cấp cứu trong tình trạng toàn thân co giật, không thể đi được sau khi được một thầy lang điều trị.

Bà Năm đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc
Bà Năm đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc
Vết bầm do bị thầy lang đấm, đạp
Vết bầm do bị thầy lang đấm, đạp

Bà Năm cho biết, do tin lời giới thiệu của người quen nên trước đó vài ngày, bà đã tìm đến một cơ sở điều trị bệnh đau nhức bằng phương pháp đấm bóp và giẫm đạp lên người gần khu vực chợ Vàm Cống (không biết tên cơ sở và tên người trực tiếp trị bệnh cho mình).

Sau vài ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bà càng ngày càng tệ hơn, đến khi chân liên tục co giật không thể đi được thì gia đình hốt hoảng đưa bà đến BVĐK Sa Đéc. Bà Năm cho biết, cơ sở này mỗi ngày có đến cả trăm người đến điều trị, mỗi lần đấm bóp và bị giẫm đạp, người bệnh tốn vài chục ngàn đồng để mua thuốc rượu.

Theo kết quả chẩn đoán ban đầu của BVĐK Sa Đéc thì bà Năm bị thoái hóa cột sống. Trường hợp của bà Năm có thể do điều trị không đúng phương pháp khoa học, làm cho mức độ bệnh nhiều hơn, bệnh nhân khó đi lại hơn.

Theo Gõ Kiến

Người lao động

Tag :Thoái hóa cột sống, tình trạng sức khỏe

Đau đầu kéo dài, phát hiện u tuyến yên

BS Dương Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh (BV Xanh Pôn) cho biết, anh H. đến viện khám trong tình trạng đau đầu dai dẳng, đã điều trị ngoại khoa nhiều ngày nay nhưng không tiến triển.

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi lấy u tuyến yên, chữa dứt điểm tình trạng đau đầu cho bệnh nhân.
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi lấy u tuyến yên, chữa dứt điểm tình trạng đau đầu cho bệnh nhân.

Tại đây, từ kết quả chụp phim cộng hưởng từ sọ não các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối u vùng tuyến yên. Đây chính là căn nguyên gây ra tình trạng đau đầu kéo dài của bệnh nhân.

BS Kiên cho biết, u tuyến yên là u phát triển từ tế bào thùy trước yên, chiếm 8-15% các u nội sọ.

Đây là một khối u lành tính. Tuy nhiên, kích thước khối u phát triển lớn lên có thể gây chèn ép phần lành của tuyến yên gây ra rối loạn nội tiết như vô sinh, vô kinh, bất lực, tiết sữa ở vú, hoặc u chèn ép vào giao thoa thị giác gây giảm thị lực, thậm chí mất thị lực hoàn toàn. Ngoài ra còn gây rối loạn về huyết áp, tuần hoàn và phát triển như: tay to, chân to, hàm to…

Với bệnh nhân này, khối u tuyến yên chèn ép khiến người bệnh rơi vào tình trạng đau đầu liên tục, không thuyên giảm. Để giải quyết triệt để tình trạng đau đầu của bệnh nhân, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối u tuyến yên bằng phương pháp nội soi qua xoang bướm.

Ngày 14/10, với ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ các bác sĩ đã cắt bỏ được khối u theo phương pháp nội soi.

BS Kiên cho biết, trước đó, với các khối u như này, mổ theo phương pháp cũ người bệnh sẽ phải nằm viện ít nhất 15 ngày, do mổ mở. Hơn nũa tỷ lệ biến chứng cũng cao hơn do can thiệp vén não nhiều gây tổn thương các dây thần kinh sọ, thậm chí chảy máu não….
Còn với phương pháp nội soi mới, thời gian nằm viện được rút xuống còn 5 ngày. Sau khi xuất viện, bệnh nhân khỏe mạnh, hết đau đầu, đi lại được bình thường.

Bởi đường nội soi qua xoang bướm là lỗ thông tự nhiên của cơ thể đem lại nhiều lợi ích như thực hiện lấy u nhanh, chính xác, triệt để, bảo tồn được giải phẫu và chức năng sinh lý của mũi xoang, rút ngắn thời gian nằm viện tiết kiệm chi phí cho người bệnh và xã hội. Bên cạnh đó, do không phải tiếp cận qua nhu mô não, nên những biến chứng như làm tổn thương dây thần kinh sọ, tổn thương nhu mô não được giảm tối đa.

Hồng Hải

Tag :bác sĩ phát hiện, cắt bỏ khối u, phẫu thuật kéo dài, u tuyến yên, đau đầu kéo dài

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Bác sĩ kêu khổ vì ma túy, hàng đá

Hầu như ngày nào khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cũng tiếp nhận và điều trị 3-4 trường hợp ngộ độc ma túy, “ngáo đá” hoặc sốc thuốc lắc. “Thậm chí có người vô bệnh viện 2-3 lần chỉ trong vài tuần do sốc thuốc” - BS Đặng Thị Mỹ Hiền, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định, cho biết.

Hết “phê”, len lén bỏ trốn

Mới đây, PV có mặt tại khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định. Vừa rạng sáng, một thanh niên độ 26 tuổi mê man được vài người trạc tuổi dìu vô rồi đỡ lên giường bệnh.

Bệnh nhân có biểu hiện thở chậm, môi tím tái, mê man, lừ đừ. Không chỉ vậy, mu bàn tay, cổ tay, mặt trong khuỷu tay có dấu kim chích. BS Hiền lấy đèn soi mắt người thanh niên thì phát hiện đồng tử co nhỏ. “Người này bị ngộ độc ma túy, cần phải giải độc, để lâu dễ có nguy cơ suy hô hấp” - BS Hiền cho biết.

Bác sĩ lập tức chỉ định nhân viên y tế cho nạn nhân thở máy, truyền dịch, đồng thời chích thuốc giải naloxon. Khi y tá hỏi tìm người nhà để ghi bệnh án, cô gái đưa vào bệnh viện khi nãy nói: “Chúng tôi là người đi đường, thấy anh ta giãy giụa, mê sảng nên đưa vô bệnh viện giúp”. Lát sau, người này quày quả bỏ đi.

“Cô ta chắc chắn là bạn của anh chàng phê thuốc. Thấy anh này sốc thuốc quá nặng nên đưa vô bệnh viện vì sợ bạn chết” - một y tá cho biết.

Gần sáng, BS Hiền quay lại giường người sốc thuốc nhưng bệnh nhân đã… biến mất. “Chậc, lại trốn viện rồi. Nhiều người như vậy lắm, sau khi được giải độc, tỉnh táo là lén bỏ về, không thanh toán chi phí điều trị!” - BS Hiền khẽ lắc đầu.

Nhân viên y tế xử lý vết thương đầu do người sốc hàng đá tự gây ra. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Ngáo đá” tự gây thương tích

Cũng tại khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định, một thanh niên 24 tuổi bị vết thương ở đầu được hai người trạc tuổi đưa tới. Người này rất hung hăng, xô giường đạp ghế, trừng mắt dữ tợn nhìn những người xung quanh. “Tôi đi ngang, thấy anh ta gây gổ với người đi đường, lại bị chảy máu ở đầu nên vội đưa vô đây. Tôi với anh ta hoàn toàn không quen biết” - một trong hai người thanh niên nói rồi bỏ đi.

Người thanh niên trong trạng thái kích động, la hét, không chịu hợp tác với nhân viên y tế. Sau một lúc vất vả, nhờ sự hỗ trợ của bảo vệ bệnh viện, y tá cũng đã tiêm được liều thuốc an thần khiến người này lịm dần. “Người này bị sốc do chơi hàng đá nên nhịp tim đập nhanh. Người “ngáo đá” dễ kích động, hay rơi vào hoang tưởng nên thường đập phá, gây hấn với những người chung quanh... Thậm chí tự gây thương tích cho chính mình. Vết thương đầu nhiều khả năng là do bệnh nhân tự dùng vật cứng đập vào” - một bác sĩ điều trị nói.

Trong lúc người thanh niên nằm yên do tác dụng thuốc an thần, nhân viên y tế đưa anh ta vô phòng tiểu phẫu khâu vết thương đầu. Không lâu sau người này tỉnh lại và hỏi mọi người sao lại ở trong bệnh viện, sao đầu bị băng bó. “Người sốc hàng đá thường không nhớ những gì họ đã làm trước đó” - bác sĩ điều trị cho biết thêm.

Cách đây vài ngày, khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 (TP.HCM) tiếp nhận một nam thanh niên cũng có dấu hiệu “ngáo đá”, mình mẩy trầy xước. Người bệnh la hét, xô đẩy và luôn miệng đòi chết. Bất chấp cơn hung hăng của bệnh nhân, các y tá tìm cách tiêm thuốc an thần và xử lý vết thương. Sau khi tỉnh lại, bệnh viện phải cho về vì người bệnh không có thân nhân cũng chẳng có giấy tờ tùy thân. “Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp ngộ độc ma túy, sốc hàng đá hoặc thuốc lắc mà BV Nhân dân 115 đã cấp cứu. Nếu tính tổng chi phí trong một năm cho dạng bệnh nhân này con số sẽ không nhỏ” - BS Trần Văn Sóng, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115, cho biết.

Gánh nặng cho bệnh viện

Theo BS Đặng Thị Mỹ Hiền, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), trách nhiệm của bác sĩ là cứu người cho dù biết rõ bệnh nhân sử dụng ma túy, cho dù biết chắc họ sẽ lại vào bệnh viện lần hai, lần ba. Chi phí để điều trị một trường hợp ngộ độc do ma túy khoảng 400.000-500.000 đồng, sốc hàng đá hoặc thuốc lắc thì rẻ hơn. đa số người sử dụng ma túy, hàng đá, thuốc lắc sau khi được điều trị đều âm thầm bỏ về, không thanh toán viện phí. Bệnh viện cũng chẳng có thông tin về họ vì khi nhập viện tất cả đều mê man, kích động. Do vậy, bệnh viện phải gánh khoản “nợ” nói trên.

“Thực tế cho thấy hiện vẫn còn nhiều bệnh nhân nghèo, cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Số tiền điều trị những người chơi ma túy, hàng đá hoặc thuốc lắc sẽ có ý nghĩa hơn nếu dùng chạy chữa cho những bệnh nhân này” - BS Hiền nói.

Những bệnh nhân “đặc biệt” này tuổi đời đều trẻ, nhập viện lúc tờ mờ sáng sau một đêm ăn chơi trác táng. Tình trạng này sẽ còn gia tăng nếu cơ quan chức năng không có những giải pháp căn cơ để kéo giảm tình trạng buôn bán và sử dụng ma túy.

BS TRẦN VĂN SÓNG,

Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM

Tag :sốc ma túy, BV Nhân dân Gia Định, suy hô hấp, thuốc an thần

Nobel y học 2016 vinh danh nhà khoa học Nhật Bản Yoshinori Ohsumi

Tiến sĩ Yoshinori Ohsumi

Tiến sĩ Yoshinori Ohsumi

Người được nhận giải thưởng Nobel Y học năm nay đã khám phá và làm sáng tỏ các cơ chế tự thực, một quá trình cơ bản để giáng hóa và tái chế các thành phần của tế bào.

Tự thực (autophagy) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp auto - nghĩa là "tự", và phagein - nghĩa là "ăn". Như vậy, autophagy có nghĩa là "tự ăn". Khái niệm này xuất hiện từ những năm 1960, khi các nhà nghiên cứu đầu tiên quan sát thấy tế bào có thể tự tiêu hủy các chất chứa của mình bằng cách bao bọc nó trong màng, tạo thành những túi được vận chuyển đến một khoang tái chế, gọi là tiêu thể (lysosome) để giáng hóa. Khó khăn trong việc nghiên cứu khiến hiện tượng này rất ít được biết đến cho đến khi, nhờ một loạt các thí nghiệm xuất sắc vào đầu những năm 1990, Yoshinori Ohsumi đã sử dụng nấm men bánh mì để xác định những gen thiết yếu cho tự thực. Sau đó ông đã làm sáng tỏ các cơ chế của tự thực ở nấm men và chứng tỏ rằng cỗ máy tinh vi tương tự cũng được sử dụng trong các tế bào của người.

Những khám phá của Ohsumi đã mang đến một mô hình mới trong hiểu biết của chúng ta về cách thức các tế bào tái chế các chất chứa của mình. Các phát hiện của ông đã mở đường cho việc tìm hiểu về tầm quan trọng cơ bản của tự thực trong nhiều quá trình sinh lý, chẳng hạn như trong việc thích ứng với đói hoặc đáp ứng với nhiễm trùng. Đột biến ở các gen tự thực có thể gây ra bệnh, và quá trình tự thực bào tham gia trong nhiều bệnh lý bao gồm cả ung thư và bệnh thần kinh.

Giáng hóa - chức năng trung tâm trong tất cả các tế bào sống

Vào giữa những năm 1950 các nhà khoa học đã quan sát thấy một khoang tế bào mới rất đặc biệt, được gọi là bào quan, có chứa những enzym tiêu hóa protein, carbohydrat và chất béo. Khoang đặc biệt này được gọi là lysosome (tiêu thể) và có chức năng như một trạm tiêu hủy các thành phần tế bào. Nhà khoa học Bỉ Christian de Duve đã được nhận giải Nobel Sinh lý học và Y học năm 1974 cho khám phá ra lysosome. Các quan sát mới vào những năm 1960 cho thấy một lượng lớn các chất chứa trong tế bào, và thậm chí toàn bộ bào quan, có thể đôi khi được tìm thấy trong lysosome. Do đó, tế bào có vẻ có một chiến lược để cung cấp lượng hàng hóa lớn cho lysosome. Phân tích sinh hóa và vi thể sâu hơn đã tiết lộ một kiểu túi vận chuyển hàng hóa mới của tế bào đến các lysosome để tiêu hủy (Hình 1). Christian de Duve, nhà khoa học đứng sau khám phá về lysosome, đã dùng thuật ngữ autophagy (tự thực) để mô tả quá trình này. Những túi mới này được đặt tên là autophagosome (thể tự thực).

Các tế bào của chúng ta có những khoang chuyên dụng khác nhau. Lysosome tạo thành một khoang như vậy và chứa những enzym tiêu hóa các chất chứa trong tế bào. Một loại túi mới gọi là autophagosome đã được quan sát thấy trong các tế bào. Khi autophagosome hình thành, nó “nuốt” các chất chứa trong tế bào, chẳng hạn như protein và các bào quan bị tổn thương. Cuối cùng, nó hòa nhập với lysosome, nơi mà những chất chứa này được giáng hóa thành những thành phần nhỏ hơn. Quá trình này cung cấp cho tế bào các chất dinh dưỡng và những “viên gạch” để xây mới.
Các tế bào của chúng ta có những khoang chuyên dụng khác nhau. Lysosome tạo thành một khoang như vậy và chứa những enzym tiêu hóa các chất chứa trong tế bào. Một loại túi mới gọi là autophagosome đã được quan sát thấy trong các tế bào. Khi autophagosome hình thành, nó “nuốt” các chất chứa trong tế bào, chẳng hạn như protein và các bào quan bị tổn thương. Cuối cùng, nó hòa nhập với lysosome, nơi mà những chất chứa này được giáng hóa thành những thành phần nhỏ hơn. Quá trình này cung cấp cho tế bào các chất dinh dưỡng và những “viên gạch” để xây mới.

Trong những năm 1970 và 1980 các nhà nghiên cứu đã tập trung vào việc làm sáng tỏ một hệ thống khác được sử dụng để tiêu huỷ protein, gọi là "proteasome". Trong lĩnh vực nghiên cứu này, Aaron Ciechanover, Avram Hershko và Irwin Rose đã được nhận giải Nobel Hóa học năm 2004 cho "khám phá về sự giáng hóa protein qua trung gian ubiquitin ". Proteasome tiêu hủy lần lượt từng protein một cách rất hiệu quả, nhưng cơ chế này không giải thích được làm thế nào mà các tế bào tống đi được những phức hợp protein lớn và các bào quan hư hỏng. Quá trình tự thực bào có phải là câu trả lời không? và nếu có thì cơ chế là gì?

Thí nghiệm đột phá

Yoshinori Ohsumi đã tham gia trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, nhưng khi bắt đầu phòng thí nghiệm riêng vào năm 1988, ông tập trung nỗ lực vào sự giáng hóa protein trong không bào (vacuole), một bào quan tương ứng với lysosome trong tế bào của người. Các tế bào nấm men tương đối dễ nghiên cứu và do đó chúng thường được sử dụng như một mô hình cho các tế bào của người. Chúng đặc biệt hữu ích cho việc xác định các gen quan trọng trong những chu trình tế bào phức tạp.

Nhưng Ohsumi phải đối mặt với một thách thức lớn; tế bào nấm men nhỏ và không dễ phân biệt các cấu trúc bên trong của chúng dưới kính hiển vi, và do đó ông không chắc liệu tự thực bào thậm chí có tồn tại ở vi sinh vật này hay không.

Ohsumi lý luận rằng nếu ông có thể phá vỡ quá trình giáng hoá trong không bào, trong khi quá trình tự thực bào vẫn hoạt động, thì các autophagosome sẽ tích lũy trong không bào và trở thành nhìn thấy được dưới kính hiển vi. Vì thế, ông nuôi cấy nấm men đột biến thiếu các enzyme phân hủy không bào và đồng thời kích thích quá trình tự thực bằng cách bỏ đói tế bào.

Các kết quả thật ấn tượng! Trong vòng vài giờ, các không bào đã đầy ắp những túi nhỏ không bị tiêu hủy (Hình 2). Các túi này là những autophagosome và thí nghiệm của Ohsumi chứng minh rằng hiện tượng tự thực tồn tại trong tế bào nấm men. Nhưng quan trọng hơn, giờ đây ông đã có một phương pháp để xác định và mô tả các gen chủ chốt tham gia vào quá trình này. Đây là bước đột phá lớn và Ohsumi đã công bố kết quả vào năm 1992

Trong nấm men (hình bên trái) một khoang lớn gọi là không bào tương ứng với lysosome trong tế bào động vật có vú. Ohsumi tạo ra nấm men thiếu các enzym tiêu hủy không bào. Khi các tế bào nấm men bị bỏ đói, các autophagosome nhanh chóng tích lũy trong không bào (hình giữa). Thí nghiệm của ông đã chứng minh rằng hiện tượng tự thực tồn tại trong nấm men. Bước tiếp theo, Ohsumi nghiên cứu hàng ngàn đột biến nấm men (bên phải) và xác định được 15 genthiết yếu cho autophagy.

Trong nấm men (hình bên trái) một khoang lớn gọi là không bào tương ứng với lysosome trong tế bào động vật có vú. Ohsumi tạo ra nấm men thiếu các enzym tiêu hủy không bào. Khi các tế bào nấm men bị bỏ đói, các autophagosome nhanh chóng tích lũy trong không bào (hình giữa). Thí nghiệm của ông đã chứng minh rằng hiện tượng tự thực tồn tại trong nấm men. Bước tiếp theo, Ohsumi nghiên cứu hàng ngàn đột biến nấm men (bên phải) và xác định được 15 genthiết yếu cho autophagy.

Phát hiện các gen tự thực

Ohsumi đã lợi dụng các chủng nấm men biến đổi của mình, trong đó các autophagosome tích tụ khi tế bào bị đói. Sự tích tụ này sẽ không xảy ra nếu những gen quan trọng cho tự thực bị bất hoạt. Ohsumi cho tế bào nấm men tiếp xúc một hóa chất gây đột biến ngẫu nhiên ở nhiều gen, và sau đó ông gây autophagy. Chiến lược này đã có hiệu quả! Trong vòng một năm sau khi khám phá hiện tượng tự thực trong nấm men, Ohsumi đã xác định được những gen đầu tiên cần thiết cho tự thực.

Trong loạt nghiên cứu xuất sắc tiếp đó, các protein được mã hóa bởi những gen này được xác định đặc điểm chức năng. Kết quả cho thấy quá trình tự thực được điều khiển bởi một dòng thác các protein và phức hợp protein, mỗi thứ điều khiển một giai đoạn riêng trong khởi đầu và hình thành autophagosome (Hình 3).

Ohsumi đã nghiên cứu chức năng của protein được mã hóa bởi các gen autophagy chủ chốt. Ông đã mô tả tín hiệu stress khởi đầu autophagy như thế nào và cơ chế mà các protein và phức hợp protein thúc đẩy những giai đoạn khác nhau của sự hình thành autophagosome.
Ohsumi đã nghiên cứu chức năng của protein được mã hóa bởi các gen autophagy chủ chốt. Ông đã mô tả tín hiệu stress khởi đầu autophagy như thế nào và cơ chế mà các protein và phức hợp protein thúc đẩy những giai đoạn khác nhau của sự hình thành autophagosome.

Tự thực - cơ chế thiết yếu trong tế bào của chúng ta

Sau khi phát hiện bộ máy tự thực trong nâm men, vẫn còn một câu hỏi quan trọng. Liệu có một cơ chế tương ứng để kiểm soát quá trình này trong các sinh vật khác hay không? Chẳng bao lâu người ta đã thấy rõ ràng là những cơ chế hầu như giống hệt cũng đang hoạt động trong các tế bào của chúng ta. Hiện đã có những công cụ cần thiết để nghiên cứu về tầm quan trọng của tự thực ở người.

Nhờ Ohsumi và những người khác tiếp bước ông, giờ đây chúng ta biết rằng tự thực kiểm soát những chức năng sinh lý quan trọng trong đó các thành phần tế bào cần được giáng hóa và tái chế. Tự thực có thể nhanh chóng cung cấp nhiên liệu dùng làm năng lượng và tạo nên những “viên gạch” để xây mới các thành phần tế bào, và do đó thiết yếu cho đáp ứng của tế bào với đói và các loại stress khác. Sau nhiễm trùng, tự thực có thể loại bỏ vi khuẩn và vi rút xâm nhập tế bào. Tự thực góp phần vào sự phát triển của phôi và biệt hóa tế bào. Các tế bào cũng sử dụng tự thực để loại bỏ protein và các bào quan bị hư hỏng, một cơ chế kiểm soát chất lượng cực kì quan trọng để đối phó với những hậu quả tiêu cực của quá trình lão hóa.

Tự thực bị gián đoạn có liên quan đến bệnh Parkinson, tiểu đường týp 2 và các rối loạn khác xuất hiện ở người già. Đột biến ở gen tự thực có thể gây bệnh di truyền. Rối loạn trong bộ máy tự thực cũng có liên quan đến ung thư. Các nghiên cứu tích cực hiện đang tiếp tục phát triển những thuốc có thể nhắm vào tự thực trong các bệnh khác nhau.

Autophagy đã được biết đến từ hơn 50 năm nhưng tầm quan trọng cơ bản của nó trong sinh lý học và y học mới chỉ được công nhận sau nghiên cứu của Yoshinori Ohsumi trong những năm 1990. Với những khám phá của mình, ông được nhận giải thưởng Nobel năm nay về sinh lý học về y học.

Yoshinori Ohsumi sinh năm 1945 tại Fukuoka, Nhật Bản. Ông nhận bằng tiến sĩ ở trường Đại học Tokyo năm 1974. Sau ba năm làm việc tại Đại học Rockefeller, New York, Mỹ, ông trở lại Đại học Tokyo, nơi ông thành lập nhóm nghiên cứu vào năm 1988. Từ năm 2009 ông là giáo sư tại Viện Công nghệ Tokyo.

Cẩm Tú

Theo Nobelprize.org

Tag :Nobel Y học, bệnh thần kinh, chống nhiễm trùng, sinh lý học

Bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi HIV?

Một dược sĩ đang tính liều thuốc để điều trị cho bệnh nhân HIV
Một dược sĩ đang tính liều thuốc để điều trị cho bệnh nhân HIV

Một bệnh nhân nam 44 tuổi người Anh có thể đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi HIV.

Các xét nghiệm không phát hiện thấy vi rút trong máu của người đàn ông trước đó có HIV dương tính, sau khi điều trị bằng một liệu pháp tiên phong mới được thiết kế để loại trừ vi rút.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng vẫn còn quá sớm để nói việc điều trị có thực sự hiệu quả hay không, nhưng cho biết bệnh nhân - một nhân viên xã hội - đã "tiến bộ rõ rệt ".

Bệnh nhân là người đầu tiên trong số 50 người hoàn thành một thử nghiệm điều trị đầy tham vọng nhằm phát động cuộc tấn công hai giai đoạn "đánh và diệt" nhằm vào vi rút.

Liệu pháp mới là độc đáo ở chỗ nó lần theo dấu vết và tiêu diệt HIV ở tất cả các bộ phận của cơ thể - bao gồm cả trong những tế bào “nằm ngủ” vẫn trốn thoát liệu pháp điều trị hiện nay.

"Đây là một trong những nỗ lực nghiêm túc đầu tiên nhằm chữa khỏi hoàn toàn HIV", Mark Samuels, Viện nghiên cứu sức khỏe Quốc gia của Anh nói trên tờ The Sunday Times.

"Đây là một thách thức rất lớn và mới đang bắt đầu, nhưng những tiến bộ là rất đáng chú ý," ông nói.

Các thử nghiệm lâm sàng được tài trợ bởi NHS là kết quả của sự hợp tác giữa các bác sĩ và các nhà khoa học tại trường Đại học Oxford, Cambridge, Imperial College London, Đại học London và King’s College London.

Bệnh nhân giấu tên cho biết ông đã tham gia vào thử nghiệm để giúp những người khác bị căn bệnh này.

Theo CDC, hiện có 36,7 triệu người đang sống với HIV trên toàn thế giới.

Các liệu pháp kháng HIV nhắm vào và ngăn chặn các tế bào bị nhiễm hoạt động nhưng lại “để sổng” hàng triệu tế bào T bị nhiễm nằm im mai phục khắp cơ thể. Điều này có nghĩa là các phương pháp điều trị hiện nay tuy kiểm soát HIV hiệu quả nhưng không chữa khỏi bệnh.

Tuy nhiên, phương pháp điều trị mới sẽ vừa ngăn chặn nhiễm trùng vừa tiêu diệt các ổ chứa là những tế bào “nằm ngủ”, The Sunday Times đưa tin.

Sarah Fidler, giáo sư tại Imperial College London, cho biết các kiểm nghiệm y học về liệu pháp đột phá tiềm năng này sẽ được tiếp tục trong năm năm tới.

"Nó đã có hiệu quả trong phòng thí nghiệm và có bằng chứng tốt là nó cũng sẽ hiệu quả trên người," GS Fidler nói. "Nhưng chúng tôi phải nhấn mạnh rằng vẫn còn một chặng đường dài để đi đến một liệu pháp thực sự."

Cẩm Tú

Theo Independent

Tag :chữa khỏi HIV, bệnh nhân nam, thử nghiệm lâm sàng, Đại học Oxford

Chuyên gia hướng dẫn cách sơ cứu khi trẻ em và người lớn bị hóc

Chuyên gia hướng dẫn cách sơ cứu khi người lớn bị dị vật đường thở (Thực hiện: Hà Trang)

Sau khi đăng tải bài viết “Cách sơ cứu cực kỳ đơn giản khi trẻ nhỏ bị dị vật đường thở”, nhằm giới thiệu bài hướng dẫn của ông Đoàn Đại Dương – Trưởng Ban chăm sóc sức khỏe của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội về cách sơ cứu khi trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị dị vật đường thở, chúng tôi đã nhận được nhiều lời động viên, chia sẻ của bạn đọc về tính hữu ích của thông tin.

Do dị vật đường thở có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả người lớn. Do đó, trong bài viết tiếp theo này, chúng tôi giới xin giới thiệu cách sơ cứu khi trẻ từ 1-8 tuổi, từ 8 tuổi và người lớn bị dị vật đường thở, vẫn do ông Đoàn Đại Dương nói trên hướng dẫn.

Nói về nguyên nhân dẫn đến người lớn bị dị vật đường thở, ông Dương cho biết, do ăn uống không may bị sặc, nghẹn; do chất nôn bị trào ngược lại; do tai nạn: máu, dịch, răng, bùn, đất rơi vào đường thở.

Cách sơ cứu đối với trẻ từ 8-10 tuổi: Áp dụng phương pháp vỗ lưng và ép bụng

Phương pháp vỗ lưng có 2 cách: Người sơ cứu ngồi: Đặt trẻ nằm vắt ngang qua đùi người sơ cứu, cổ ngửa, đầu thấp hơn ngực, sau đó tiến hành vỗ 5 lần ở vị trí giữa 2 xương bả vai trẻ đồng thời kiểm tra dị vật có ra không.

Người sơ cứu quỳ: Để trẻ đứng, đầu cúi thấp, miệng há. Người sơ cứu quỳ 1 bên trẻ, 1 tay đỡ ngực và 1 tay kia vỗ 5 lần vào vị trí giữa 2 xương bả vai và kiểm tra dị vật có ra không.

Sau khi vỗ lưng mà dị vật chưa ra thì thực hiện phương pháp ép bụng: Trẻ đứng, đầu cúi thấp, miệng há. Người sơ cứu quỳ phía sau trẻ, sau đó vòng 2 tay về phía trước bụng trẻ; 1 tay sơ cứu nắm lại đặt vào vị trí điểm giữa rốn và mũi ức, tay kia bọc ra ngoài bàn tay trước. Sau đó ép bụng đột ngột 5 lần từ trước ra sau, lên trên.

Nếu dị vật chưa ra thì thực hiện xen kẽ 2 phương pháp trên cho đến khi nào dị vật bật ra ngoài. Nếu trường hợp dị vật vẫn chưa ra thì xử trí như trường hợp bất tỉnh và đưa đi cấp cứu.

Đối với trẻ trên 8 tuổi và người lớn: Vẫn áp dụng phương pháp vỗ lưng và ép bụng:

Ông Đoàn Đại Dương đang hướng dẫn cách sơ cứu dị vật đường thở đối với người lớn theo phương pháp vỗ lưng.
Ông Đoàn Đại Dương đang hướng dẫn cách sơ cứu dị vật đường thở đối với người lớn theo phương pháp vỗ lưng.

Phương pháp vỗ lưng: Để nạn nhân đứng, đầu cúi thấp, miệng há. Sau đó người sơ cứu đứng bên nạn nhân một tay đỡ ngực, tay kia vỗ mạnh vào lưng nạn nhân ở vị trí giữa 2 xương bả vai và kiểm tra dị vật.

Nếu dị vật chưa ra thì áp dụng phương pháp ép bụng: Để nạn nhân đứng, đầu cúi, miệng há. Sau đó, người sơ cứu quỳ hoặc đứng phía sau nạn nhân, vòng 2 tay ra phía trước bụng nạn nhân, 1 tay người sơ cứu nắm lại đặt vào vị trí giữa rốn và mũi ức, tay kia nắm bọc ra ngoài bàn tay trước. Ép bụng đột ngột 5 lần từ trước ra sau, lên trên.

Ông Đoàn Đại Dương đang hướng dẫn cách sơ cứu dị vật đường thở đối với người lớn theo phương pháp ép bụng.
Ông Đoàn Đại Dương đang hướng dẫn cách sơ cứu dị vật đường thở đối với người lớn theo phương pháp ép bụng.

Nếu dị vật chưa ra thì thực hiện xen kẽ 2 phương pháp trên cho đến khi nào dị vật bật ra ngoài. Nếu trường hợp dị vật vẫn chưa ra thì xử trí như trường hợp bất tỉnh và đưa đi cấp cứu.

Nguyễn Dương

Tag :sơ cứu, dị vật, đường thở, dị vật đường thở

Những “thủ phạm” khiến trẻ thường xuyên bị táo bón

Chế độ ăn thiếu chất xơ

Chất xơ có tác dụng chống táo bón ở trẻ vì khi vào ruột chất xơ hút nhiều nước, trương nở giúp tăng khối lượng của phân và kích thích nhu động ruột làm tăng co bóp để tống phân ra ngoài. Chất xơ cũng là môi trường để vi khuẩn lên men sử dụng làm thức ăn, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, đảm bảo cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Mỗi bữa ăn hàng ngày của trẻ cần khoảng 100 – 300g hoa quả và 100 – 300g rau xanh, tùy theo tuổi của trẻ.

Ngoài ra, do cách chế biến của mẹ, quá nhiều chất đạm cũng là nguyên nhân khiến bé bị táo bón. Do đó, với trẻ tập ăn bột, không ăn quá 30-50g thịt/ngày, trẻ lớn hơn không quá 100-200g/ngày tùy độ tuổi.
Ngoài ra, do cách chế biến của mẹ, quá nhiều chất đạm cũng là nguyên nhân khiến bé bị táo bón. Do đó, với trẻ tập ăn bột, không ăn quá 30-50g thịt/ngày, trẻ lớn hơn không quá 100-200g/ngày tùy độ tuổi.

Với trẻ nhỏ không có thói quen ăn rau quả, việc bổ sung lượng chất xơ nêu trên vào khẩu phần ăn của trẻ ngay lập tức sẽ khiến bé bị áp lực hơn, sợ hãi hơn, làm vấn đề táo bón càng trở nên trầm trọng. Theo đó, mẹ có thể tăng dần lượng rau củ, chế biến, trình bày rau củ theo khẩu vị, sao cho thật “bắt mắt” bé, đồng thời có sử dụng chất xơ hòa tan từ tự nhiên như Synergy 1.

Uống ít nước

Trẻ uống quá ít nước cũng là 1 trong những nguyên nhân gây táo bón.

Do đó, để đảm bảo lượng nước đáp ứng nhu cầu cơ thể, mẹ cần lưu ý: cho trẻ uống đủ nước tùy theo nhu cầu và thể trạng của trẻ.

Nên tăng cường 50-100ml nước/kg thể trọng, đặc biệt là vào mùa hè. Hạn chế các nước gây táo bón như nước ngọt có ga.
Nên tăng cường 50-100ml nước/kg thể trọng, đặc biệt là vào mùa hè. Hạn chế các nước gây táo bón như nước ngọt có ga.

Không có thói quen đi tiêu hằng ngày

Nhiều trẻ đến trường, do nhà vệ sinh của trường không được sạch sẽ, bẩn, có mùi khó chịu khiến trẻ sợ; hoặc trẻ sợ cô, trong giờ học không dám xin phép ra ngoài đi vệ sinh.

Những trẻ nhỏ hơn lại mải chơi, sẵn sàng nhịn tiêu.

Do đó, tạo cho trẻ thói quen đi tiêu hằng ngày, tập trung khi đại tiện (không xem tivi, chơi trò chơi…); ngồi đại tiện đúng cách… sẽ góp phần ngăn ngừa tình trạng táo bón.

Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Bio-acimin Fiber là sản phẩm thuộc thương hiệu Bio-acimin, được đặc chế dành riêng cho trẻ táo bón, thành phần bao gồm chất xơ tự nhiên Synergy 1 và men vi sinh.

Synergy 1 là sự kết hợp hiệu quả giữa chất xơ hoà tan Inulin và FOS, được chiết xuất từ thực vật, khi được bổ sung vào đường tiêu hoá, chúng hút nước, trương nở tạo hệ gel nhớt làm mềm và tăng thể tích phân, kích thích nhu động ruột giúp đẩy phân ra ngoài dễ dàng.

Men vi sinh Lactobacillus acidophilus và Bifido bacterium là những chủng vi khuẩn có lợi ở đường ruột, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, đảm bảo cho hệ tiêu hoá khoẻ mạnh.

Nhờ sự kết hợp của chất xơ tự nhiên Synergy 1 và các men vi sinh, Bio-acimin Fiber giúp cải thiện hiệu quả tình trạng táo bón của trẻ nhờ 3 tác dụng:

- Làm mềm và tăng thể tích phân

- Kích thích nhu động ruột

- Bảo vệ hệ tiêu hoá còn non nớt của trẻ

Nguyên liệu nhập khẩu 100% từ Châu Âu

Website: http://www.bioacimin.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/bioacimin/

Hotline: 19006436

Sản phẩm không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Giấy phép XNQC: 01681/2016/XNQC-ATTP

Tag :trẻ lười ăn, chống táo bón ở trẻ, chế độ dinh dưỡng cho trẻ, bổ sung chất xơ, uống nước, bio acimin, táo bón, hệ tiêu hóa trẻ em

Inforgraphic: Những điều cần biết về răng khôn

Inforgraphic: Ngọc Diệp

Khánh Hòa: Thay khớp háng nhân tạo thành công cho cụ ông 100 tuổi

Chia sẻ của gia đình cụ ông 100 tuổi được thay khớp háng

Trước đó, ông Hồ Túc (SN 1916, trú xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang) nhập viện trong tình trạng đau dữ dội vùng háng trái, không đi đứng được sau khi bị té ngã. Sau khi thăm khám, các bác sỹ bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa xác định ông Túc bị gãy cổ xương đùi trái.

Ngay sau đó, Khoa Chấn thương chỉnh hình và Bỏng phối hợp cùng Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, đã thực hiện phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo.

“Trong quá trình mổ, ông cụ tỉnh táo. Nếu ông cụ không được phẫu thuật kịp thời thì sẽ không đi đứng được, nằm một chỗ, lở loét, viêm phổi, hôn mê và có nguy cơ bị tàn phế”, bác sỹ nói.

Cụ Túc hiện đang nằm tại Khoa Chấn thương chỉnh hình và Bỏng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa
Cụ Túc hiện đang nằm tại Khoa Chấn thương chỉnh hình và Bỏng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa

Các bác sỹ cho biết, 5 ngày sau mổ, cụ Túc đã tỉnh táo, đỡ đau vùng háng, có thể tự ngồi dậy và đang được tập đứng, tập đi. Trao đổi thêm với PV Dân trí, ông Phạm Phến (64 tuổi), con rể cụ cho biết, trước đó trong lúc nằm trên võng, khi đứng dậy thì cụ bị té ngã. “Năm nay cụ 100 tuổi là niềm vui của con cháu. Bác sỹ nói sẽ cho cụ xuất viện vào cuối tuần này”, con rể cụ nói.

Được biết, hàng năm Khoa Chấn thương chỉnh hình và Bỏng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa phẫu thuật thành công cho khoảng 200 ca tương tự, trong đó khoảng 100 ca cho người cao tuổi. Cụ Túc là bệnh nhân lớn tuổi nhất từ trước tới nay được phẫu thuật thay khớp háng bán phần nhân tạo tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Trước đó, vào tháng 3 năm nay, bệnh viện này cũng đã phẫu thuật thay khớp háng thành công cho cụ bà Lê Thị Gái (98 tuổi, phường Vạn Thắng, TP Nha Trang), bệnh nhân cao tuổi nhất ở Khánh Hòa tính tới thời điểm đó.

Viết Hảo

Tag :phẫu thuật thành công, bệnh nhân cao tuổi, Thay khớp háng, tỉnh Khánh Hòa, Lê Thị Gái, người cao tuổi

Trẻ 8 tuổi bị thanh gỗ cắt đứt lìa dương vật

Thông tin từ khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM ngày 4/10 cho hay, tại đây vừa tiếp nhận và hỗ trợ chuyên môn cứu kịp thời bộ phận sinh dục bị đứt lìa cho một bệnh nhi. Trước đó, cháu bé 8 tuổi, ngụ tại Kiên Giang được gia đình chuyển đến trong tình trạng dương vật bị đứt lìa, bộ phận sinh dục đã rời khỏi cơ thể được bảo quản trong thùng đá.

Khai thác bệnh sử, bác sĩ ghi nhận, trước khi tai nạn xảy ra cháu đang chơi đùa thì bất ngờ bị kẹt cả quần và dương vật vào thanh gỗ. Trong lúc người bố đi tìm dụng cụ để giải cứu, cậu bé hoảng loạn, vùng vằng kéo mạnh khiến dương vật bị đứt lìa, mất nhiều máu. Sau phút giật mình, người nhà vội nhặt bộ phận bị đứt, bảo quản trong thùng đá rồi chuyển cháu bé đến bệnh viện địa phương. Tại đây, bệnh nhi được sơ cứu rồi tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Bình Dân.

BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học cho hay: Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, dương vật bị đứt lìa. Cháu được sơ cấp cứu đúng kỹ thuật và chuyển viện kịp thời nên bộ phận bị đứt lìa may mắn chưa bị hoại tử. Ngay lập tức bệnh viện đã thực hiện cuộc vi phẫu nối dương vật. Sau 5 giờ khẩn trương trong phòng phẫu thuật, nối từng mạch máu rất nhỏ các bác sĩ đã giữ lại được dương vật cho cháu bé.

Sau cuộc ghép thành công, sức khỏe của bệnh nhân đã bình phục tốt. Theo đánh giá chuyên môn của bác sĩ, dù bị đứt lìa, nhưng nhờ được ghép kịp thời nên chức năng bộ phận dương vật của cháu ít bị ảnh hưởng.

Vân Sơn

Tag :dương vật, đứt lìa, bệnh nhi, Bình Dân, Kiên Giang, cháu bé

Dịch cúm vào mùa, đe dọa sức khỏe cộng đồng

Cúm gia cầm, cúm mùa “rục rịch” tăng

Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau xác định, trên địa bàn tỉnh vừa xuất hiện một ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm. Theo đó, vào cuối tháng 9, tại cơ sở chăn nuôi của một hộ gia đình thuộc Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, hàng loạt gà, vịt bất ngờ lăn ra chết. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nguyên nhân gia cầm chết là do nhiễm cúm A/H5N1. Trước đó, tại tỉnh Kiên Giang, hàng chục công nhân đã phải nhập viện vì nhiễm cúm A/H1N1.

Các bệnh cúm mùa đang gia tăng nhanh vào thời điểm cuối năm
Các bệnh cúm mùa đang gia tăng nhanh vào thời điểm cuối năm

Trước tình hình trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Nhóm bệnh cúm A bao gồm H1N1 và H3N2 hiện đang lưu hành ở người. Bệnh xảy ra trên toàn cầu với tỷ lệ ước tính từ 5% đến 10% người lớn và 20% đến 30% trẻ em. Tại Việt Nam, cúm mùa chủ yếu là cúm A/H3N2 (chiếm 44%); cúm B chiếm 43,4% và cúm A/H1N1 là 12,2%. Riêng dịch cúm gia cầm H5N1 dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong trên người song Việt Nam đã liên tiếp ghi nhận các ổ dịch xuất hiện ở nhiều địa phương khác nhau.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhận định, thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa thu - đông đang tạo điều kiện cho vi rút gây bệnh cúm phát triển. Đặc biệt, cúm A/H1N1 lây truyền qua đường hô hấp, dễ tấn công và lây lan nhanh trong cộng đồng. Bệnh gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, gây viêm phổi, tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Dịch cúm thường lây lan rất nhanh

Phân tích chuyên môn của ThS.BS Võ Kim Tuyến, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chỉ ra, thời điểm mùa thu - đông, cộng đồng rất dễ mắc phải các bệnh thường gặp như nhiễm trùng hô hấp trên, cảm cúm, cúm mùa, cúm A. Biểu hiện của bệnh là những cơn ớn lạnh, sốt, ho, sổ mũi, chảy nước mũi, nhức đầu, khó thở. Người có bệnh lý nền như hen suyễn, COPD, cơ địa suy kiệt nếu nhiễm cúm sẽ dễ dàng vào đợt cấp, viêm phổi, nguy hiểm đến tính mạng.

Hạn chế tiếp xúc với gia cầm, không buôn bán, giết thịt, ăn thịt gia cầm bệnh
Hạn chế tiếp xúc với gia cầm, không buôn bán, giết thịt, ăn thịt gia cầm bệnh

Vi rút cúm A có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang; tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Loại vi-rút này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 220C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 00C. Do đó, hồ bơi trong các khách sạn cũng có thể tạo ra môi trường cho vi rút phát triển, nhất là vào tiết trời mưa dầm, thiếu ánh nắng để diệt vi rút.

Bệnh cúm truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Người mang vi rút cúm có khả năng truyền vi rút cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ...

Chủ động phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe

Đối với bệnh cúm gia cầm H5N1, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo khi phát hiện gia cầm có biểu hiện bệnh, chết người chăn nuôi cần chủ động thông báo cho cơ quan thú y địa phương để kịp thời có giải pháp hỗ trợ, khoanh vùng, xử lý và dập dịch (nếu có). Người trực tiếp chăn nuôi cần có trang phục bảo hộ lao động, rửa tay, vệ sinh cơ thể thường xuyên sau khi tiếp xúc với gia cầm, chuồng trại. Tuyệt đối không buôn bán, giết thịt, ăn thịt gia cầm bệnh, gia cầm chết.

Vệ sinh cơ thể và môi trường sống sạch sẽ để hạn chế nguy cơ mắc bệnh
Vệ sinh cơ thể và môi trường sống sạch sẽ để hạn chế nguy cơ mắc bệnh

Với cúm mùa, bệnh có biểu hiện sốt trên 380C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp nặng. Riêng cúm A/H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, bệnh chỉ có thể chẩn đoán, xác định qua xét nghiệm dịch mũi họng.

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần chủ động tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng giải pháp ăn nhiều rau quả, trái cây, uống nhiều nước; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi; vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn; người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh; đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.

Khi sức khỏe có biểu hiện bất thường, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, chữa; cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ; không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu.

Vân Sơn

Tag :sức khỏe cộng đồng, dịch cúm gia cầm, bảo vệ sức khỏe, nhiễm cúm A/H5N1, sức đề kháng

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Bé gái 2 tháng tuổi nhập viện cấp cứu vì bị khỉ tấn công

Vụ việc hy hữu nói trên vừa mới xảy ra tại địa bàn xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Khi chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt đang chăm con gái vừa mới được 2 tháng tuổi là cháu Nguyễn Tuệ Anh thì bất ngờ bị một con khỉ cái nặng hơn 30 kg từ bên ngoài xông vào tấn công, dùng tay cào lên mặt khiến bé Tuệ Anh bị thương.

“Lúc đó tôi đang ngồi với cháu ở giường, khi vừa quay đi để lấy khăn lau thì con khỉ bất ngờ nhảy từ cửa sổ vào nhà rồi cào vào mặt cháu, tôi quay lại thì nó bỏ chạy, cháu bị con khỉ cào chảy máu và bị thương ở mặt, tôi sợ quá ôm con chạy lên trạm y tế xã, sau đó chuyển cháu lên Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba để cấp cứu”, chị Nguyệt kể lại.

Bé Nguyễn Tuệ Anh bị thương ở vùng mặt vì bị khỉ cào
Bé Nguyễn Tuệ Anh bị thương ở vùng mặt vì bị khỉ cào

Chị Nguyễn Thị Anh Nguyệt hiện đang công tác tại TP Đà Nẵng, cách đây gần 3 tháng chị về quê ngoại tại huyện Bố Trạch để nghỉ sinh, chị cho biết đã nhìn thấy con khỉ này từ lâu và đây không phải là lần đầu tiên con khỉ cái nói trên vào nhà tấn công, phá phách.

“Con khỉ này khôn lắm, vì nhà có con nhỏ, nghe tiếng khóc với ngửi thấy mùi sữa nên nên nó hay đến, nếu thấy đàn ông thì nó chạy mất, nhưng chỉ có phụ nữ ở nhà là nó vào phá, nhiều lần tôi đuổi nó còn dọa lại nữa. Giờ cháu cũng khỏe hơn rồi, cũng may là mắt cháu không bị làm sao, ít ngày nữa xuất viện tôi sẽ cùng cháu vào TP Đà Nẵng”, chị Nguyệt cho biết thêm.

Hiện tại sức khỏe của bé Nguyễn Tuệ Anh đã tốt hơn và có thể xuất viện trong vài ngày tới
Hiện tại sức khỏe của bé Nguyễn Tuệ Anh đã tốt hơn và có thể xuất viện trong vài ngày tới

Bà ngoại của bé Tuệ Anh cho biết, con khỉ cái nói trên là của một người hàng xóm nhưng đã bị xổng chuồng từ lâu mà không thể bắt lại được, nó cũng có một con khỉ con. Từ ngày chị Nguyệt sinh, con khỉ cái này và con của nó cứ loanh quanh gần nhà bà và nhiều lần vào nhà để lục đồ ăn, phá phách, mấy ngày nay thì không thấy nó xuất hiện nữa. Gia đình cũng đã báo lên chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý, để không có thêm những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Theo các bác sỹ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, hiện tại sức khỏe của bé Nguyễn Tuệ Anh đã tốt hơn, các vết thương ở vùng mặt do khỉ cào cũng đang hồi phục nhanh và bé có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Đặng Tài

Tag :khỉ, Hữu nghị Việt Nam, nhập viện cấp cứu, khỉ xổng chuồng, tấn công, khỉ tấn công gười, quảng bình, sự việc, bênh viện, việt nam cu ba

Hóa chất ủ giá đỗ độc hại như thế nào?

Chiều 23/9, GS-TS Phạm Duy Tường, bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm Trường ĐH Y Hà Nội, cung cấp cho Pháp Luật TP.HCM thông tin trên.

Theo ông Tường, hóa chất nói trên không nằm trong danh mục cho phép sử dụng trong thực phẩm, cũng không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng do Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT ban hành. “Do có tính kiềm cao nên hóa chất nói trên có thể gây bỏng da, viêm kết mạc nếu tiếp xúc trực tiếp. Khi hít vào gây tổn thương cơ quan hô hấp, phổi…” - ông Tường nói.

“Hóa chất 6-benzylaminopurine một khi đã ngấm vào giá đỗ sẽ không thải hết khi ngâm trong nước sạch. Dư lượng hóa chất tồn dư trong giá đỗ sẽ gây nguy hại sức khỏe người sử dụng” - ông Tường lưu ý.

Như Pháp Luật TP.HCM đưa tin, vào lúc 23 giờ ngày 22-9, Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang ông Đỗ Như Báo (phường Hố Nai, TP Biên Hòa) sử dụng hóa chất không có nguồn gốc để sản xuất giá đỗ.

Theo ông Báo, hóa chất được pha loãng với nước lạnh rồi tưới trực tiếp lên hạt đậu nhằm mục đích kích thích hạt đậu nảy mầm nhanh, mập, trắng, đẹp và tươi lâu.

Bước đầu, cơ quan công an đã lập biên bản vi phạm hành chính. Đồng thời thu giữ 5 kg hóa chất và lấy một số mẫu giá đỗ phân tích để có cơ sở xử phạt vi phạm.

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM

Tag :viêm kết mạc, công an tỉnh đồng nai, ĐH Y Hà Nội

Những giải đáp giúp “mở cửa phòng the”

Trong cuộc sống lứa đôi, chẳng phải lúc nào chuyện chăn gối cũng xuôi chèo mát mái. Những thắc mắc thầm kín nhiều khi “khổ chủ” không dám ngỏ cùng ai mà cứ khư khư giữ trong lòng khiến cho “lửa yêu” vì thế mà có phần nguội lạnh. Những giải đáp dưới đây của chuyên gia sẽ có tác dụng chẳng kém câu thần chú giúp bạn “mở cửa phòng the”.

Ham muốn tình dục có thay đổi trong chu kỳ kinh không?

Có, nhưng không phải mọi phụ nữ đều giống nhau. Một số phụ nữ tăng ham muốn tình dục vào những ngày trước hoặc sau hành kinh, một số khác vào ngày rụng trứng. Những yếu tố nào là quyết định nhất vẫn còn chưa biết rõ: sự dao động của các hormon sinh dục nữ hay các chất dẫn truyền thần kinh (do não chi phối) và chúng tác động trực tiếp hay gián tiếp đến ham muốn tình dục.

Stress và mỏi mệt có ru ngủ ham muốn tình dục không?

Chắc chắn có. Ai cũng có lúc phải trải qua những thời kỳ căng thẳng thần kinh (stress) do những vấn đề riêng tư hoặc do công việc và không còn ham muốn tình dục nữa. Tuy nhiên, nếu mất ham muốn tình dục kéo dài thì cần phải tìm nguyên nhân và phân tích xem có cái gì không ổn trong mối quan hệ của đôi bạn tình. Không có chức năng nào của cơ thể lại chịu ảnh hưởng nhạy bén với trạng thái của vỏ não (ý thức) như chức năng tình dục, khi có chuyện buồn phiền hay căng thẳng gì đó, người ta vẫn có thể ăn 1-2 bát cơm nhưng người ta khó có thể thực hiện chuyện ân ái một cách suôn sẻ.

Không tiết dịch ở âm đạo có phải là giảm ham muốn tình dục không?

Thường đúng như vậy. Ham muốn tình dục ở phụ nữ thể hiện bằng sự tiết dịch ở âm đạo (giống như sự cương cứng ở nam giới). Một phụ nữ không tiết dịch âm đạo thì cũng có thể xem như có trục trặc gì đó trong đời sống tình dục. Nhưng đừng lầm với trạng thái thiếu hormon, làm cho âm đạo khô và kém chun giãn.

Có tình yêu nhưng không có khoái cảm tình dục với bạn tình, có đáng lo ngại không?

Không đáng lo ngại vào giai đoạn đầu của mối quan hệ nhưng về lâu về dài thì rất phiền. Có những trường hợp tình yêu được lên “bàn thờ” và chuyện tình dục được xem như thứ yếu. Nhưng với đa số thì để có khoái cảm tình dục, cần có “sự đầu tư” của cả đôi bạn tình, không thể có chuyện “một vị thánh cao đạo và lạnh băng” lại có thể đem lại khoái cảm cho bạn tình. Hay nói một cách khác: quyền lực tình dục là sự chia sẻ của cả hai người. Tuy nhiên, sự đa dạng của hành vi tình dục người còn thể hiện ở chỗ có tới 64% nam giới và chỉ có 36% phụ nữ nói rằng họ có thể có quan hệ tình dục mà không nhất thiết phải có tình yêu với bạn tình.

Sau đẻ có giảm ham muốn tình dục không?

Có. Rối loạn thường gặp nhất sau đẻ là sự mất đi ham muốn tình dục. Tình trạng đó có thể kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng. Chỉ một số ít mới hồi phục nhanh ham muốn tình dục. Giai đoạn đầu sau đẻ, đa số phụ nữ vừa phải nuôi con vừa làm nhiệm vụ của người vợ. Nguyên nhân của tình trạng này là do mỏi mệt, do bận bịu với việc cho con bú (bú chai hay bú mẹ) về đêm, do stress (căng thẳng thần kinh). Khi người phụ nữ đã nghỉ ngơi một thời gian và tìm lại được cảm hứng tình dục với chồng thì coi như đã hồi phục sau sinh đẻ. Một số phụ nữ khác thì hình như vai trò làm mẹ không chịu nhường chỗ cho vai trò làm vợ. Nếu như sự ham muốn tình dục phục hồi chậm thì cần được sự giúp đỡ của thầy thuốc chuyên khoa tâm lý - tình dục.

Sau đẻ bao lâu thì có thể bắt đầu trở lại đời sống tình dục?

Quan hệ tình dục một cách đầy đủ có thể lập lại khi cả hai vợ chồng đã sẵn sàng. Thông thường, đời sống tình dục bắt đầu trở lại sau khi đã có kinh non sau đẻ (một tháng rưỡi sau đẻ ra một chút máu), nếu như không còn vấn đề gì về phụ khoa và người phụ nữ không còn đau đớn gì nữa (do rách tầng sinh môn hay thành âm đạo). Trong thời gian chờ đợi để có thể giao hợp thực thụ, nên làm cho cơ thể quen dần trở lại với đời sống tình dục và khám phá lại nhau bằng những cử chỉ âu yếm, ve vuốt. Cần coi trọng những hành vi yêu đương như thế trong giai đoạn này để những trở ngại không làm cho tình cảm vợ chồng xa cách dần.

Thai nghén có làm tăng dục năng không?

Có, với nhiều phụ nữ thì khi có thai ham muốn tình dục có cơ sở để tăng lên. Thai nghén tạo ra một trạng thái “tràn ngập hormon” thực sự: vú nhạy cảm hơn, tuần hoàn máu ở bụng dưới tăng lên, độ nhờn ở âm đạo cũng nhiều hơn... ngần ấy yếu tố đã làm tăng thêm cường độ nhạy cảm và làm cho người phụ nữ dễ chấp nhận quan hệ tình dục. Nhiều phụ nữ có thai cảm thấy giàu nữ tính hơn, ham muốn hơn, thích vuốt ve hơn. Mặt khác, việc chuẩn bị có con cũng làm cho cặp vợ chồng cảm thấy gắn bó, yêu nhau hơn.

Theo BS. Đào Xuân Dũng

Sức khoẻ & Đời sống

Tag :phòng the, tình dục, ham muốn, stress, mệt mỏi, chu kỳ kinh

Nhiều người nguy kịch tính mạng do dùng thuốc Nam

Cách đây 4 tháng, bệnh nhân Nguyễn Thị Đ. (26 tuổi, ở TX Hoàng Mai, Nghệ An) xuất hiện triệu chứng phù nề chân, vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, khó đi lại, lao động.

Qua khám bệnh tại BVHNĐK Nghệ An, bệnh nhân Đ. được xác định bị xơ gan kết hợp bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia. Khi được các bác sĩ BVHNĐK điều trị tích cực, bệnh nhân đã thuyên giảm, sức khỏe tốt hơn.

“Cuối tháng 8, qua giới thiệu truyền miệng của họ hàng về thầy lang bắt mạch, bốc thuốc chữa xơ gan giỏi trong vùng, với hy vọng sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, tôi lấy 12 thang thuốc Nam về sắc uống. Đến đầu tháng 9, anh rể tôi lên huyện miền núi Qùy Châu lấy thêm mấy thang thuốc cỏ dân tộc nữa.

Sau 11 ngày sắc 2 loại thuốc trên uống liên tục, tôi thấy cơ thể mệt mỏi nhiều, uể oải, bụng chướng, da vàng, mắt vàng nhiều, đi ngoài liên tục nên phải nhập viện điều trị”, bệnh nhân Đ. chia sẻ.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Đ. đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc BVHNĐK Nghệ An.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Đ. đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc BVHNĐK Nghệ An.

Tại bệnh viện, chị Đ. được bác sỹ chẩn đoán bị xơ gan mãn. Tiếp tục theo dõi và các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị ngộ độc dẫn đến suy gan do dùng thuốc Nam, kết hợp bệnh lý về máu. Hiện tại, tiên lượng bệnh của chị Đ. rất nặng, cần thăm khám thường xuyên và điều trị tích cực.

Cũng trong tháng 9, khoa Hồi sức tích cực chống độc tiếp nhận cấp cứu 2 bệnh nhân là Quách Thị L. (22 tuổi, TX Hoàng Mai, Nghệ An) và Nguyễn Thị B. (63 tuổi, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Cùng từng có tiền sử dùng thuốc Nam theo lời đồn thổi “thuốc tốt” để điều trị bệnh lý về gan, 2 bệnh nhân nhập viện với chỉ số men gan cao, suy gan.

Dù đã được áp dụng kỹ thuật lọc máu, thay huyết tương liên tục, nhưng do tình trạng nhiễm độc của cả 2 bệnh nhân L. và B. quá nặng, diễn biến xấu, hôn mê gan và không qua khỏi.

Bệnh nhân L. tử vong đầu tháng 9 sau 4 ngày điều trị tích cực; đến ngày 18/9, sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân B. cũng không thoát “cửa tử” dù đã được các bác sỹ khoa Hồi sức tích cực chống độc cố gắng cứu chữa.

Trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân bị ngộ độc thuốc Nam nặng, BS. Trần Văn Thảnh - Khoa Hồi sức tích cực chống độc nhận định: Điều khó khăn khi điều trị ngộ độc thuốc Nam là không có thuốc đặc hiệu. Ngộ độc thuốc nam hầu hết xảy ra từ từ, có người uống tới cả chục thang mới có biểu hiện nhiễm độc nên đa số người bệnh khi đến viện cấp cứu đã bị nặng do chất độc tích tụ trong cơ thể lâu. Thêm nữa, đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn, khi gan bị suy nặng nên điều trị rất khó khăn.

Theo BS. Thảnh, khi sử dụng thuốc nam điều trị bệnh có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc và dẫn đến hậu quả chết người khi người bệnh sử dụng tùy tiện, lạm dụng và dùng thuốc một cách thiếu hiểu biết, không khoa học.

Để tránh ngộ độc do thuốc Nam, bệnh nhân nên khám và bốc thuốc tại các cơ sở tin cậy, có giấy phép hành nghề và khi dùng thuốc tuân thủ theo chỉ định của lương y. Đơn thuốc phải ghi thành phần thuốc, hàm lượng thuốc, cũng như liều lượng sử dụng. Đặc biệt cần lưu ý tránh chữa bệnh theo phương thức truyền miệng thiếu cơ sở khoa học.

Hoàng Yến

Tag :xơ gan, TP Vinh, nhiễm độc, BVHNĐK Nghệ An, chết người, Nghệ An, TX Hoàng Mai, tích cực, điều trị

Ngăn ‘bùa lưỡi’ vây học đường

Trước thông tin gần đây xuất hiện một loại ma túy dạng miếng giấy, có tên gọi là “tem giấy”, “bùa lưỡi” lan truyền trong giới trẻ, có biểu hiện xâm nhập vào học đường, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an) vừa có văn bản gửi Phòng CSĐT tội phạm về ma túy các địa phương đề nghị chủ động rà soát, xử lý mạnh tay những kẻ tàng trữ, mua bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng loại ma túy này.

C47 cũng yêu cầu công an các địa phương tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan ban ngành liên quan tuyên truyền về loại ma túy giấy này cùng tác hại khôn lường của nó.

Đại tá Trần Như Nhận, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, cho biết: “Tem giấy”, “bùa lưỡi” là ma túy có tên khoa học là Lysergic Acid Diethylamide (LSD). Đây là chất ma túy nằm trong Danh mục I, Nghị định 82/2013 của Chính phủ, bị tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống.

Mỗi gói “tem giấy” 10 tấm này đang được rao bán với giá 150.000 đồng. Ảnh: TƯ LIỆU
Mỗi gói “tem giấy” 10 tấm này đang được rao bán với giá 150.000 đồng. Ảnh: TƯ LIỆU

“LSD được tẩm trên các miếng dán giấy giống hình tem thư với các loại hình thù ngộ nghĩnh, đa dạng. LSD là ma túy kích thích thần kinh cực mạnh, chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng làm cho người dùng có cảm giác thất thường, hoang tưởng, rối loạn vị giác, gây ảo giác” - ông Nhận nói.

Đại tá Tạ Đức Ninh, Trưởng phòng Thường trực Chương trình quốc gia Phòng, chống ma túy, Bộ Công an, cho biết “bùa lưỡi” hay “tem giấy”… chỉ là tên gọi đường phố của ma túy LSD. Loại ma túy này đã xuất hiện từ lâu ở nước ngoài, du nhập vào Việt Nam khoảng 10 năm nay. Mỗi miếng giấy tẩm LSD thông thường có kích thước 1,5 x 1,5 cm. “Tem giấy” được gắn một lớp giống nylon mỏng, tan trong nước và chất cồn. Nó tác dụng trực tiếp đến cơ thể người sử dụng thông qua vị giác - lưỡi.

Thời gian để “bùa lưỡi” tan hết trong miệng thường là ba giờ, “thuốc” sẽ tác dụng trực tiếp lên não người sử dụng gây ra các ảo giác mạnh. Người sử dụng LSD sẽ có những nhận thức sai lệch, không chính xác về âm thanh, hình ảnh, màu sắc mà bình thường không thể tưởng tượng được như đang đứng mà tưởng đang bay, hình ảnh bị xô lệch, ngưng trệ… Tác động của LSD có thể kéo dài tới vài ngày.

““Bùa lưỡi”, “tem giấy” là ma túy gây nghiện, kích thích ảo giác, gây hại nhất trong bảng thống kê các chất ma túy tổng hợp. Ảnh hưởng LSD là không thể lường trước được. Do vậy, giới trẻ cần tránh xa và không thử dù chỉ một liều duy nhất” - ông Ninh cảnh báo.

Theo ông Ninh, ngoài các biện pháp đấu tranh chủ động của công an, chính quyền thì phụ huynh cũng lưu tâm giáo dục con em nhận biết về ma túy “tem giấy” để các cháu không thử hay tò mò sử dụng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng vừa giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT và các cơ quan, địa phương liên quan triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại ma túy “tem giấy”, “bùa lưỡi”, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-10.

Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường quản lý địa bàn, đặc biệt khu vực xung quanh trường học, xử lý nghiêm các trường hợp quảng bá, mua bán, dụ dỗ, lôi kéo học sinh, sinh viên sử dụng ma túy.

Phó Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên và phụ huynh về tác hại và cách nhận biết các loại ma túy, đặc biệt là chất LSD.

Theo Ngọc Bảo

Pháp luật TPHCM

Tag :Bộ Công an, chất ma túy, rối loạn vị giác