Một bệnh nhân nam 44 tuổi người Anh có thể đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi HIV.
Các xét nghiệm không phát hiện thấy vi rút trong máu của người đàn ông trước đó có HIV dương tính, sau khi điều trị bằng một liệu pháp tiên phong mới được thiết kế để loại trừ vi rút.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng vẫn còn quá sớm để nói việc điều trị có thực sự hiệu quả hay không, nhưng cho biết bệnh nhân - một nhân viên xã hội - đã "tiến bộ rõ rệt ".
Bệnh nhân là người đầu tiên trong số 50 người hoàn thành một thử nghiệm điều trị đầy tham vọng nhằm phát động cuộc tấn công hai giai đoạn "đánh và diệt" nhằm vào vi rút.
Liệu pháp mới là độc đáo ở chỗ nó lần theo dấu vết và tiêu diệt HIV ở tất cả các bộ phận của cơ thể - bao gồm cả trong những tế bào “nằm ngủ” vẫn trốn thoát liệu pháp điều trị hiện nay.
"Đây là một trong những nỗ lực nghiêm túc đầu tiên nhằm chữa khỏi hoàn toàn HIV", Mark Samuels, Viện nghiên cứu sức khỏe Quốc gia của Anh nói trên tờ The Sunday Times.
"Đây là một thách thức rất lớn và mới đang bắt đầu, nhưng những tiến bộ là rất đáng chú ý," ông nói.
Các thử nghiệm lâm sàng được tài trợ bởi NHS là kết quả của sự hợp tác giữa các bác sĩ và các nhà khoa học tại trường Đại học Oxford, Cambridge, Imperial College London, Đại học London và King’s College London.
Bệnh nhân giấu tên cho biết ông đã tham gia vào thử nghiệm để giúp những người khác bị căn bệnh này.
Theo CDC, hiện có 36,7 triệu người đang sống với HIV trên toàn thế giới.
Các liệu pháp kháng HIV nhắm vào và ngăn chặn các tế bào bị nhiễm hoạt động nhưng lại “để sổng” hàng triệu tế bào T bị nhiễm nằm im mai phục khắp cơ thể. Điều này có nghĩa là các phương pháp điều trị hiện nay tuy kiểm soát HIV hiệu quả nhưng không chữa khỏi bệnh.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị mới sẽ vừa ngăn chặn nhiễm trùng vừa tiêu diệt các ổ chứa là những tế bào “nằm ngủ”, The Sunday Times đưa tin.
Sarah Fidler, giáo sư tại Imperial College London, cho biết các kiểm nghiệm y học về liệu pháp đột phá tiềm năng này sẽ được tiếp tục trong năm năm tới.
"Nó đã có hiệu quả trong phòng thí nghiệm và có bằng chứng tốt là nó cũng sẽ hiệu quả trên người," GS Fidler nói. "Nhưng chúng tôi phải nhấn mạnh rằng vẫn còn một chặng đường dài để đi đến một liệu pháp thực sự."
Cẩm Tú
Theo Independent
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét